SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá thực trạng khô hạn tại tỉnh Bến Tre

[09/08/2022 08:23]

Điều kiện khô hạn trong giai đoạn 2015 - 2019 được đánh giá trong nghiên cứu nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Các dữ liệu về điều kiện thời tiết được thu thập tại Đài Khí tượng Thủy văn Bến Tre; phương pháp nội suy IDW (Inverse Distance Weighted) được áp dụng để xây dựng bản đồ khô hạn; mức độ ảnh hưởng của khô hạn được đánh giá dựa vào chỉ số SPI (Standardized Precipitation Index). Kết quả nghiên cứu cho thấy Bến Tre có 4 vùng hạn theo các mức độ nặng, trung bình, nhẹ và không hạn. Mức độ hạn nặng và trung bình cao nhất năm 2015, 2016; các năm còn lại hạn ở mức nhẹ. Tuy nhiên, diện tích khô hạn năm 2019 là cao nhất và giảm dần theo năm 2017, 2016, 2015, 2018. Khô hạn đã và đang ảnh hưởng đến các mô hình canh tác nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre. Vì vậy, nghiên cứu thêm về ảnh hưởng của khô hạn đến sản xuất nông nghiệp, có những định hướng sử dụng đất hợp lý và bền vững trong điều kiện ở tỉnh Bến Tre là cần thiết.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra như: khô hạn, lũ lụt, nước biển dâng và xâm nhập mặn đang không ngừng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt là khô hạn đã xảy ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại lớn về con người và nền kinh tế (Wu & Wilhite, 2004). Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước đã và đang bị ảnh hưởng của những hiện tượng thời tiết cực đoan này và ngày càng trở nên nghiêm trọng (Lê Quang Trí, 2016). Sự khô hạn cũng dẫn đến việc thay đổi một số đặc tính đất đai, đất bị suy thoái về mặt vật lý và suy thoái lớp phủ thực vật. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài sẽ dẫn đến một số chỉ tiêu về chất lượng đất đai bị thay đổi, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng của các mô hình canh tác nông nghiệp (Lê Văn Khoa, 2013). Bến Tre là tỉnh ở ven biển phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối mặt với tình trạng khô hạn và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên đất đai, đất mất kết cấu, khô cứng, nứt nẻ và chuyển biến theo chiều hướng xấu (Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, 2019). Do đó, việc nghiên cứu các khía cạnh của khô hạn tại tỉnh Bến Tre để tìm hiểu những ảnh hưởng có thể xảy ra của khô hạn đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết; đồng thời, giúp cho các nhà quản lý hoạch định chiến lược sử dụng đất cũng như định hướng cơ cấu cây trồng hợp lý cho địa phương.

Hiện tượng xâm nhập mặn và khô hạn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Bến Tre qua nhiều năm, đặc biệt là giai đoạn 2015 đến 2019 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Vì thế, mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá thực trạng khô hạn tại tỉnh Bến Tre trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019 nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện tỉnh Bến Tre.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(2): 148-157
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài