SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu thành phần hóa học và bước đầu tách chiết Saponin steroid từ phần lá của loài Phất dủ thơm (Dracaena fragrans (L.) Ker Gawl.)

[21/11/2022 16:40]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Đức Hùng, Từ Quang Tân - Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên thực hiện.

Ảnh minh họa: Internet

Loài Phất dủ thơm có tên khoa học là Dracaena fragrans (L.) Ker Gawl., thuộc chi Dracaena, họ Asparagaceae, vùng phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á, Tây Phi và Việt Nam. Đây là loài thực vật được trồng với mục đích làm cảnh do màu sắc lá đẹp, dễ phát triển. Theo Nguyễn Thị Đỏ (2007), Phất dủ thơm là dạng cây gỗ nhỏ, có thân cao 4-6 m, đường kính 3-4 cm, thẳng đứng, ít khi phân nhánh, phía dưới có các sẹo lá. Lá mọc cách trên thân, sít nhau, không cuống; phiến lá hình mũi giáo - dải, kích thước 60-90 x 8-10 cm, nhẵn, bóng, chóp nhọn dần hoặc nhọn ngắn, gốc dạng bẹ ôm lấy thân. Cụm hoa chùm mang nhiều tán hình đầu, nhiều hoa, trục hoa dài 0,5-0,7 cm, đường kính 0,5-1 cm. Hoa nhỏ, đều, lưỡng tính, rất thơm, thường nở về đêm, cuống dài 0,2- 0,3 cm, có đốt ở gần đỉnh, có lông. Bao hoa màu vàng, dài 1,2-1,5 cm, 6 mảnh; phần dưới dính nhau ít nhiều thành hình trụ, dài 0,8-1,0 cm; phần trên có 6 thùy, dài 0,3-0,5 cm, hình dải, xếp 2 vòng, bằng nhau hoặc 3 thùy trong dài hơn, khi hoa nở trải ra. Nhị 6, đính ở họng ống bao hoa; chỉ nhị rời, dạng sợi, thò ra ngoài bao hoa hoặc ẩn trong bao hoa; bao phấn thuôn, lắc lư, đính lưng, 2 ô, hướng trong, mở bằng khe dọc. Bầu thượng, 3 cạnh rõ, 3 ô, mỗi ô có 1 noãn, đính gốc; vòi nhụy dạng sợi, mảnh; đầu nhụy dạng đầu, 3 thùy. Quả mọng, màu đỏ.

Chi Dracaena hay huyết rồng được biết đến như một vị thuốc trong y học cổ truyền của người Ai Cập cổ đại để điều trị các vết thương, bệnh bạch huyết, gãy xương, tiêu chảy và mót rặn cũng như viêm loét đường ruột, dạ dày lâu ngày. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra chi Dracaena là nguồn cung cấp các hợp chất saponin steroid và flavonoid có hoạt tính sinh học mạnh như kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, hoạt tính gây độc và kháng tế bào ung thư. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào về phân lập và xác định cấu trúc của các hợp chất saponin steroid của loài Phất dủ thơm (Dracaena fragrans (L.) Ker Gawl.). Đây là cơ sở để tiến hành nghiên cứu này, nhằm mục đích tìm kiếm các hợp chất saponin steroid mới và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sự phân bố của hợp chất saponin trong thực vật nói chung và của chi Dracaena nói riêng.

Nghiên cứu định tính về thành phần hóa học của cao chiết ethanol từ phần lá loài Phất dủ thơm (D. fragrans (L.) Ker Gawl.) cho kết quả về sự có mặt của flavonoid, steroid, glycoside tim và saponin steroid, tuy nhiên không có mặt của alkaloid, terpenoid và saponin triterpenoid. Nghiên cứu đã tiến hành phân lập được một hợp chất saponin steroid từ cao chiết và xác định được cấu trúc hóa học là 26-O-β-D-glucopyranosyl-22-methoxy-5α-furost-(25)27-ene1β,3β,4,26-tetraol1-O-α-L-rhamnopyranosyl-(1→2)-β-D-fucopyranoside. Nghiên cứu đề xuất cần tiếp tục tiến hành phân lập các hợp chất khác có trong cao chiết ethanol từ phần lá loài Phất dủ thơm, đặc biệt là thành phần saponin, và tiến hành đánh giá hoạt tính sinh học của các hợp chất này, góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về phân loại hóa thực vật của loài Phất dủ thơm nói riêng và chi Dracaena nói chung.

Tạp chí KH&CN Đại học Thái Nguyên, T. 227, Số 14 (2022) (nnttien)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài