SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tổng quan về đặc điểm sinh học sinh sản của họ ốc bươu AMPULLARIIDAE

[28/11/2022 15:19]

Giai đoạn trưởng thành có thể phân biệt được các loài ốc thuộc họ Ampullariidae qua hình dạng bên ngoài và qua giải phẫu. Họ Ampullariidae có tỷ lệ giới tính không đều và ốc cái chiếm tỷ lệ cao hơn ốc đực trong quần đàn. Ốc đực và ốc cái phát triển giới tính riêng biệt, sau khi bắt cặp giao phối thì quá trình thụ tinh diễn ra trong buồng chứa tinh của con cái.

Tập tính sinh sản chung là ốc cái đẻ trứng thành từng đám bám vào hốc đất, bùn hay trên thân cây thực vật thủy sinh. Ốc cái đẻ từng trứng hoặc từng đôi trứng, khi một cặp trứng đi ra khỏi đường sinh dục cái qua cơ quan đẻ trứng, sau đó được đẩy ra khỏi cơ thể và gắn vào cạnh dưới của tổ trứng, tổ trứng có nhiều tầng hay chỉ một tầng tùy thuộc vào nơi đẻ. Trứng ốc mới đẻ rất mềm, thường trong suốt và sau một thời gian được vôi hóa bởi một lớp canxi hạt trứng sẽ trở nên cứng chắc hơn. Màu sắc hạt trứng cũng khác nhau tùy theo loài ốc.

Ngành động vật thân mềm là một trong những ngành rất đa dạng về mặt sinh học, có số lượng loài lớn nhất với 160.000 loài và được chia 8 lớp, trong đó lớp chân bụng (Gastropoda) là lớp lớn nhất với hơn 40.000 loài ốc (Joshi et al., 2017). Lớp động vật thân mềm chân bụng là lớp thích ứng cao nhất với môi trường sống, trong đó có khoảng 3.500 loài ốc sống trong môi trường đất nước và cũng là ốc nước ngọt còn sống lớn nhất trên thế giới (Richard & Gary, 2003). Họ ốc Ampullariidae thuộc lớp chân bụng gồm những loài có kích thước, số lượng lớn nhất trong các loài ốc nước ngọt với hơn 150 loài và chúng phân bố rộng rãi theo các vĩ độ nhiệt đới (Dillon et al., 2006), cận nhiệt đới (Cowie et al., 2015). Ở Việt Nam, họ ốc Ampullariidae có 5 loài thường sống ở ao, hồ và đồng ruộng vùng đồng bằng, trung du, miền núi (Thanh và ctv., 2003). Hầu hết các loài ốc trong họ Ampullariidae đẻ trứng trên nền đất, thích nơi có độ ẩm cao, sống hoạt động về đêm, vào mùa khô thì chúng ngủ hè trong đất và quay lại hoạt động vào mùa mưa (Mary & Oliver, 1996). Thời gian thành thục và sinh sản là hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản của động vật thủy sản (Roff, 1992). Thời gian thành thục sinh dục của lớp chân bụng, trong đó họ Ampullariidae bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố môi trường (nhiệt độ, ánh sáng, hàm lượng oxy hòa tan, thức ăn, dòng chảy và mùa vụ) kết hợp với yếu tố bên trong như di truyền, tuổi và kích thước (Goldman et al., 2004; Visser et al., 2010); kích thước và tuổi của con đực và con cái ngay cả trong cùng một loài là chủ yếu (Stearns & Koella, 1986). Bên cạnh đó, các yếu tố về môi trường, thức ăn và di truyền đều ảnh hưởng đến sự thay đổi tỷ lệ giới tính (Martín et al., 2001). Họ Ampullariidae có đặc điểm giới tính phân biệt giữa ốc đực và cái, ốc cái có kích thước lớn hơn so với ốc đực (Estebenet & Cazzaniga, 1998), kích thước sinh sản lần đầu của con đực cũng thường nhỏ hơn con cái (Chu, 2011; Bình & Thảo, 2017). Bài tổng quan này nhằm xác định: (1) đặc điểm giới tính, tỷ lệ giới tính; (2) quá trình giao phối và bắt cặp; (3) tìm hiểu tập tính sinh sản, mùa vụ sinh sản và điều kiện sinh thái sinh sản; (4) tìm hiểu kích thước thành thục; (5) tìm hiểu hình thái tổ trứng và (6) tìm hiểu quá trình phát triển phôi, từ đó cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động sản xuất giống một số loài thuộc họ Ampullariidae.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 5B (2022): 103-116
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài