SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quan ngại đối với Dự thảo Trung Quốc quy định về giám sát và quản lý mỹ phẩm.

[17/09/2019 17:07]

Trong biên bản họp của Ủy ban TBT/WTO ban hành tháng 3/2019, Quy định của Trung Quốc quy định về giám sát và quản lý mỹ phẩm được thông báo cho WTO với mã thông báo G/TBT/N/CHN/1310 đã vấp phải quan ngại từ các nước Thành viên WTO.

Các quan ngại cụ thể như sau:

- Quan ngại của phái đoàn Nhật Bản

Nhật Bản đánh giá cao việc dự thảo quy định và phân loại rõ ràng các thủ tục cần đáp ứng, tuy nhiên, một số điều đáng quan tâm khác đã không được cải thiện hoặc làm rõ:

+ Thứ nhất, đối với quy định về cung cấp thông tin của thành phần mỹ phẩm trong Điều 9, Nhật Bản đề nghị Trung Quốc loại bỏ yêu cầu về việc cung cấp những thông tin mang tính bí mật của nhà sản xuất.

+ Thứ hai, Điều 15 quy định liên quan đến công bố cơ sở khoa học về hiệu quả của sản phẩm trên một trang web được chỉ định bởi Cơ quan quản lý sản phẩm y tế quốc gia (NMPA) cần được xem xét lại, vì các tài liệu đánh giá hiệu quả sẽ bao gồm thông tin bí mật của nhà sản xuất. Liên quan đến việc này, Nhật Bản cũng đề nghị Trung Quốc chấp nhận kết quả thử nghiệm của các phòng thí nghiệm bên ngoài Trung Quốc hoặc phòng thí nghiệm nội bộ nhà sản xuất.

+ Thứ ba, cần xem xét lại yêu cầu về tính nhất quán giữa nhãn Trung Quốc và nhãn gốc trong Điều 38, bởi vì nhãn gốc được thiết kế để tuân thủ, thường là khác nhau, theo quy định xuất xứ.

+ Thứ tư, Nhật Bản cho rằng dự thảo quy định đối tượng phải chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn là quá nhiều, do đó, Nhật Bản đề nghị Điều 6 chỉ nên yêu cầu một người hợp pháp bên trong lãnh thổ Trung Quốc để nhận trách nhiệm. Ngoài ra, các yêu cầu ghi nhãn liên quan đến nhà sản xuất trong điều 39 nên được loại bỏ.

+ Cuối cùng, Nhật Bản đề nghị Trung Quốc đưa ra thời gian chuyển tiếp ít nhất một năm để thực hiện quy định này

- Quan ngại của phái đoàn Hàn Quốc

Đại diện của Hàn Quốc bày tỏ quan ngại về Điều 15 của dự thảo về việc yêu cầu công bố cơ sở khoa học về hiệu quả của sản phẩm trên một trang web được chỉ định bởi Cơ quan quản lý sản phẩm y tế quốc gia (NMPA). Nhắc lại Điều 5.2.4 của Hiệp định TBT, Hàn Quốc cho rằng quy định này là không phù hợp bởi vì các thông tin bí mật của nhà sản xuất sẽ bị truy cập một cách công khai. Do đó, điều khoản nên được sửa đổi, ví dụ chỉ công bố thông tin cho NMPA trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, Hàn Quốc đề nghị sửa đổi Điều 38 của dự thảo. Hàn Quốc bày tỏ quan ngại rằng các yêu cầu trong Điều này sẽ gây hạn chế thương mại và tạo ra gánh nặng về hành chính. Cuối cùng, Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc phải đưa ra thời gian chuyển tiếp hợp lý và yêu cầu bổ sung các thông tin liên quan khác như ngày có hiệu lực của dự thảo...

- Quan ngại của phái đoàn Hoa Kỳ

Đại diện của Hoa Kỳ đề nghị Trung Quốc, thứ nhất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch thời gian về Giấy phép lưu hành sản phẩm đối với các sản phẩm nhập khẩu so với các sản phẩm trong nước. Thứ hai, Hoa Kỳ đề nghị Trung Quốc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm từ ISO, ASTM Quốc tế (ASTM International, là một tổ chức tiêu chuẩn quốc tế thực hiện phát triển và xuất bản các tiêu chuẩn kỹ thuật đồng thuận tự nguyện cho loạt các vật liệu, sản phẩm, hệ thống và dịch vụ) và Tiêu chuẩn quốc tế NSF, xem xét sử dụng ISO 22716: 2007: "Mỹ phẩm - Thực hành sản xuất tốt (GMP) - Hướng dẫn về Thực hành sản xuất tốt". Hoa Kỳ lưu ý rằng dự thảo quy định này đã không tham khảo và xem xét các Tiêu chuẩn trên.

+ Thứ hai, Hoa Kỳ đề nghị Trung Quốc xem xét các nguyên tắc và khuyến nghị được xây dựng dựa trên Quy định về hợp tác quốc tế đối với mỹ phẩm (ICCR).

+ Thứ ba, Hoa Kỳ đề nghị Trung Quốc cung cấp thông tin cụ thể hơn liên quan đến những yêu cầu công bố cơ sở khoa học về hiệu quả của sản phẩm và các biện pháp hành chính khác vì Hoa Kỳ cho rằng các biện pháp hành chính này có thể dẫn đến sự tiết lộ bí mật của nhà sản xuất. Hoa Kỳ lưu ý rằng các quy định trong dự thảo về việc công bố thông tin này chỉ có ở Trung Quốc, trong khi các cơ quan quản lý ở Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các thị trường khác thường không yêu cầu tiết lộ đầy đủ như vậy, chỉ yêu cầu bổ sung thông tin trong trường hợp nhà sản xuất gặp vấn đề bất lợi, thường trong vòng 72 giờ, thông qua đại diện được uỷ quyên của họ. Cuối cùng, Hoa Kỳ cảm ơn Trung Quốc đã thực hiện nghĩa vụ minh bạch khi thông báo dự thảo này.

Đại diện của Trung Quốc tuyên bố rằng mục đích của dự thảo như đã được thông báo, là để đáp ứng những phát triển trong ngành công nghiệp mỹ phẩm của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ nghiêm túc xem xét các quan ngại của các Thành viên và sẽ sớm phản hồi.

Theo tbt.gov.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài