SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của việc xử lý ethephon ở giai đoạn tiền thu hoạch lên màu sắc lá, thời gian sinh trưởng, năng suất và phẩm chất hạt mè (Sesamum indicum L.)

[12/06/2020 09:20]

Nghiên cứu do tác giả Võ Thị Xuân Tuyền và Nguyễn Duy Tân - Khoa Nông Nghiệp và Tài Nguyên Thiên Nhiên, Trường Đại học An Giang, Đại Học Quốc Gia TP.HCM, An Giang thực hiện nhằm khảo sát ảnh hưởng của nồng độ ethephon phun qua lá trước khi thu hoạch nhằm thúc đẩy quá trình chín của quả và gây rụng lá mè giúp thu hoạch thuận lợi.

Ảnh minh họa: Internet

Cây mè hay còn gọi là vừng, có tên khoa học là Sesamum indicum L., cây có đặc điểm ra hoa tạo trái trong suốt thời gian sinh sản của cây, do đó những trái hình thành sau ở gần ngọn sẽ chín không cùng lúc. Ethephon hay ethrel thuộc nhóm chất điều hòa sinh trưởng thực vật, được hấp thu qua lá và vào trong cây phóng thích ethylen. Hiện được dùng khá phổ biến và đã được khuyến cáo sử dụng hơn 60 quốc gia trên thế giới, nó được ứng dụng vào nông nghiệp với nhiều mục đích như kích thích ra hoa, giảm đổ ngã của cây, thúc chín trái với màu vàng đẹp, tăng sự tích lũy đường trên mía, xử lý chín trái hồ tiêu, cà phê, táo, cà chua (Poulenc, 1990 và 1992). Nghiên cứu của Jaidka (2016) trên đậu nành cho thấy phun ethephon 250 ppm ở 115 ngày sau gieo có tác dụng làm rụng lá, tăng tích lũy chất khô, thu hoạch sớm và tăng năng suất hạt. Qua đó cho thấy ethephon được sử dụng để thúc đẩy nhanh sự chín và rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây từ đó có thể tránh rủi ro do thời tiết khi thu hoạch.

Theo Pham (2012), mè đen An Giang thuộc nhóm cao cây với chiều cao cây mè lúc thu hoạch dao động từ 126,1 - 133,9 cm. Chiều cao cây khác biệt không ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức có xử lý ethephon và đối chứng không xử lý. Ở giai đoạn 74 NSG lúc này cây mè đã bước vào giai đoạn chín nên việc xử lý ethephon không ảnh hưởng đến chiều cao cây (Hình 2). Theo Langham (2008), khi cây mè kết thúc trổ hoa thì cây không gia tăng chiều cao, dinh dưỡng ở thân lá bắt đầu tập trung chuyển vị về hạt.

Thời gian thu hoạch được xác định khi hầu hết trái chuyển vàng và có hơn 50% lá trên cây rụng. Kết quả cho thấy phun ethephon có tác dụng rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây mè và giúp thu hoạch sớm. Phun với nồng độ từ 200 – 500 ppm thời gian thu hoạch là 77 ngày sớm hơn so với đối chứng là 6 ngày, nồng độ từ 50 – 100 ppm thì thời gian thu hoạch sớm hơn 5 ngày so với đối chứng (Hình 3). Kết quả cũng được tìm thấy ở nghiên cứu của Jaidka (2016) xử lý trên đậu nành với nồng độ 250 ppm ở 115 ngày sau gieo có tác dụng gây rụng lá, giúp thu hoạch sớm và góp phần tăng năng suất hạt. Do ethephon hay ethrel thuộc nhóm chất điều hòa sinh trưởng thực vật, được hấp thu qua lá vào trong cây và phóng thích ethylen có tác dụng thúc đẩy quá trình chín và gây rụng lá.

Xử lý ethephon không ảnh hưởng đến màu sắc hạt, hàm lượng protein trong hạt nhưng có tác dụng rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 5 - 6 ngày so với đối chứng. Ở nồng độ từ 200 - 500 ppm gây rụng lá hoàn toàn sau 3 ngày xử lý, từ 400 ppm trở lên gây hiện tượng nứt trái, làm giảm năng suất và hàm lượng lipid trong hạt. Nồng độ 50 và 100 ppm có hiệu quả thúc đẩy quá trình chín của mè không làm giảm năng suất và hàm lượng lipid so với mẫu đối chứng.

nnttien

 

Tạp chí NN&PT - Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, Số 1/2020 (nnttien)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài