SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm sinh học và định danh chủng vi khuẩn Bacillus altitudinis T1008 phân lập từ đất nhiễm mặn

[25/01/2021 16:35]

Tính đến đầu tháng 3/2020 đã có 5 tỉnh (Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An) thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán và xâm nhập mặn. Mặc dù các địa phương đã rút kinh nghiệm từ những đợt hạn hán và xâm nhập mặn trước đây nhưng vẫn không tránh được thiệt hại. Tỉnh Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng sớm nhất của xâm nhập mặn. Đợt hạn mặn 2015-2016 được xem là kỷ lục, 100 năm mới lặp lại thì mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập trước đó.

Nhiều loài vi khuẩn như các loài thuộc chi Bacillus khi lây nhiễm lên cây trồng giúp cho cây trồng tăng khả năng chống khô hạn, chịu được độ mặn trong đất hoặc trong nước tưới, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thẩm thấu và tạo điều kiện cho sự hấp thụ nước có nồng độ muối cao hơn. Bên cạnh đó, các loài vi khuẩn này cũng đóng vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp giúp tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu bệnh, đồng thời tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng trong đất. Loài vi khuẩn B. altitudinis đã được nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, phân bố rộng rãi trong khí quyển, đất, nước và cây trồng dưới dạng nội sinh. Vi khuẩn B. altitudinis đã được nghiên cứu có nhiều hoạt tính sinh học như có khả năng phân giải lân vô cơ, kali, HCN, tổng hợp IAA, phân giải lông vũ và đối kháng với tác nhân gây bệnh cây như vi khuẩn và nấm bệnh. Một nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Đức Thành và ctv.  được thực hiện nhằm phân lập, xác định được các chủng vi khuẩn B. altitudinis có khả năng chịu NaCl và có hoạt tính sinh học trong việc tạo ra chế phẩm vi sinh vật cho sản xuất cây ăn quả (bưởi Da xanh, sầu riêng) tại tỉnh Bến Tre nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Chủng vi khuẩn T1008 được phân lập từ các mẫu đất bị nhiễm mặn thu thập tại tỉnh Bến Tre trên môi trường Pikovskaya, Luria-Bertanicó bổ sung NaCl 1% đã được nghiên cứu và định danh tên loài. Kết quả cho thấy, khuẩn lạc của chủng vi khuẩn có dạng tròn không đều, màu trắng đến vàng nhạt, tế bào có hình que ngắn, di động, gram dương, tạo bào tử và chịu được nồng độ NaCl 5%, có hoạt tính phân giải lân vô cơ và tổng hợp indole acetic acid (IAA) trong điều kiện in vitro,có thể sinh trưởng phát triển tốt ở điều kiện nhiệt độ từ 25-40oC. Vùng gen 16S ARN ribosome có mức tương đồng 100% với loài vi khuẩn Bacillus altitudinis. Đây là chủng vi khuẩn lần đầu tiên được công bố có tiềm năng tạo chế phẩm vi sinh ứng dụng trong trồng trọt trên vùng đất bị nhiễm mặn.

Vân Anh

 

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 62 năm 2021
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài