SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giải pháp ứng phó và khôi phục vườn cây ăn quả khi hạn hán, xâm nhập mặn

[14/06/2023 10:21]

Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng, mặn gây phá hủy cấu trúc đất, đất bị nén chặt, sự phát triển rễ bị giảm, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ. Cây sẽ bị cháy từ chóp lá vào và sau đó lá cũng bị rụng. Tùy theo nồng độ muối hòa tan trong nước và lượng nước tưới cho cây mà số lá trên cây bị cháy và rụng ít hay nhiều. Nếu tiếp tục tưới trong thời gian dài sẽ làm cây bị rụng lá, hoa, trái và cây suy kiệt dẫn đến chết cây. Chính vì vậy, việc đối phó với hạn, mặn luôn là mối quan tâm lớn của các cấp, các ngành và nông dân. Bên cạnh các biện pháp lớn như quy hoạch vùng sản xuất, hệ thống thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, … thì các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp người sản xuất có thể ứng phó kịp thời, chủ động nhằm hạn chế tổn thất do hạn, mặn là hết sức cần thiết. Chúng tôi xin giới thiệu một số khuyến cáo và giải pháp kỹ thuật phòng chống hạn mặn và khôi phục cho các vườn cây ăn quả nhằm hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra.

I. Giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cho cây ăn quả

- Củng cố hệ thống đê bao của mỗi vườn cho chắc chắn.

- Cải tạo mương chứa để dự trữ nước ngọt.

- Thiết lập hệ thống tưới tiết kiệm như: tưới nhỏ giọt, tưới phun xung quanh gốc.

- Kết thúc thời vụ thu hoạch trong khoảng tháng 11 đến tháng 01 năm sau để tránh thời điểm xâm nhập mặn.

- Nên cắt tỉa khoảng 15% số cành trên cây, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trước khi xâm nhập mặn.

- Không nên xử lý cây ra hoa trước và trong giai đoạn nước nhiễm mặn nếu thiếu nguồn nước tưới.

- Tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng lá dừa nước, rơm, rạ, lục bình, cỏ khô,…

- Sử dụng nấm cộng sinh Mycorrhiza, Trichoderma kết hợp phân hữu cơ làm tăng khả năng chịu đựng của rễ với các yếu tố như hạn hán, mặn, phèn, ngộ độc đất rễ cây và ức chế xâm nhiễm vi sinh vật gây bệnh.

- Bón phân lân, không bón phân có chứa Natri và Cl vì sẽ tăng độ độc cho cây.

- Có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, Magiê, Silic giúp cây tăng sức đề kháng.

- Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn, vừa hạ phèn. Nếu đất bị nhiễm phèn thì không nên bón các loại phân chua như Super lân, DAP, (NH4)2SO4, KCl…

- Phun/tưới các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ (phân cá, rong biển, than bùn,..), các chế phẩm có chứa Proline, Brassinosteroid (hormon thực vật) để làm tăng tổng hợp chlorophyll và quang hợp, tăng tính chống chịu của cây trồng.

- Cần có biệp pháp phòng trị sâu bệnh thích hợp.

- Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn; nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời.

II. Giải pháp kỹ thuật phục hồi cây ăn quả sau hạn hán và xâm nhập mặn

1. Giải pháp chung

Sau hạn, mặn cần kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây, từ đó đề ra kế hoạch phục hồi, trồng lại hay chuyển sang cây trồng khác. Có thể chia ra hai mức:

+ Tán cây thiệt hại nhiều, cần chăm sóc cây như giai đoạn kiến thiết cơ bản nhằm phục hồi tán cây, không để ra quả.

+ Tán cây thiệt hại không nhiều, chăm sóc cây như giai đoạn mang quả để cây có thể ra hoa, đậu quả.

Các giải pháp chăm sóc phù hợp để giúp cây sớm phục hồi như sau:

+ Cắt tỉa những cành khô héo, cành chết, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh.

+ Mạnh dạn tỉa bớt hoặc bỏ toàn bộ số quả trên cây tùy theo mức độ lá bị rụng ít hay nhiều.

+ Sử dụng nguồn nước ngọt để tưới nhằm rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất, giúp bộ rễ sớm phục hồi.

+ Sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới vào đất kích thích cây ra rễ non, đồng thời sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ - sinh học phun lên tán cây để hỗ trợ kịp thời nguồn dinh dưỡng cho bộ lá non phát triển. Tiếp đó, bón phân hữu cơ hoai mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Khi bộ rễ mới cơ bản được hình thành thì sử dụng phân lân, NPK và các dinh dưỡng trung, vi lượng giúp cây sớm hồi phục hơn.

+ Không xử lý ra hoa đối với những cây bị rụng lá vừa mới phục hồi.

+ Thận trọng trong việc sử dụng hóa chất, nhất là tưới gốc vì hệ thống rễ còn yếu.

- Phun/tưới các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nhất là chế phẩm có chứa các acid amin để tăng tính chống chịu.

2. Giải pháp cụ thể phục hồi vườn cây ăn quả

Bước 1: Rửa mặn cho đấtTưới ngọt liên tục 3 - 5 ngày (ngày tưới 2 - 3 lần, mỗi lần 15 - 30 phút, tưới bằng béc phun).

Sau đó tiến hành bón vôi với lượng 1 kg/cây và tưới nước ngọt để vôi tan trong đất. Kiểm tra độ dẫn điện trong đất, nếu trị số EC <1 mS/cm là độ mặn trong đất đạt yêu cầu.

Bước 2: Phục hồi bộ rễ và bộ lá

Sau 7 - 10 ngày sau rửa mặn cho đất thì tiến hành cung cấp dinh dưỡng qua lá, qua rễ.

a. Phục hồi bộ rễ:

+ Sử dụng chế phẩm Rootwell với 20ml/20lít nước/cây (hoặc phân cá ủ) tưới gốc.

+ Sử dụng nấm cộng sinh Mycorrhiza(100g Rhizomyx/cây) hoặc nấm  Trichoderma(theo

khuyến cáo).

Chú ý, trong giai đoạn này tuyệt đối không bón phân hóa học cho cây.

b. Phục hồi bộ lá:

Sử dụng 50 ml Vitazyme (có chứa Brassinosteroids) kết hợp với 10 g DS Gold (có Axit humic) pha trong 20 lít nước (Lượng nước phun 5 lít/cây). Hoặc sử dụng 6,5 g Comcat (có chứa Brassinosteroids) kết hợp với 1g Proline pha trong 20 lít nước (Lượng nước phun 5 lít/cây).

Khuyến cáo sử dụng các chế phẩm từ rong biển (Seaweed), Axit Humic (chiết xuất từ than bùn) cho bộ lá mới phát triển.

Bước 3: Hỗ trợ bộ lá phát triển

Sau 10 ngày bón phân phục hồi bộ rễ và bộ lá (bước 2) thì tiến hành phun dưỡng chất hữu cơ sinh học để nuôi bộ lá phá triển.

Sử dụng 50 ml Silimax (đạm, kali, canxi, silic) kết hợp 10 g DS Gold/ 20 lít nước (lượng nước phun 5 lít/cây). Hoặc sử dụng 6,5 g Comcat (có chứa Brassinosteroids) kết hợp với 1g Proline pha trong 20 lít nước (lượng nước phun 5 lít/cây).

Bước 4: Hoàn thiện bộ lá và hỗ trợ bộ rễ

Sau 10 ngày phun bón lá hỗ trợ bộ lá phát triển (bước 3) thì sử dụng chế phẩm dinh dưỡng như sau:

a. Hoàn thiện bộ lá:

+ Sử dụng 50 ml Vitazyme (có chứa Brassinosteroids) kết hợp với 10 g DS Gold (có Axit humic) pha trong 20 lít nước (lượng nước phun 10 lít/cây). Hoặc sử dụng 6,5 g Comcat (có chứa Brassinosteroids) kết hợp với 1g Proline pha trong 20 lít nước (lượng nước phun 10 lít/cây).

Khuyến cáo sử dụng các chế phẩm từ rong biển (Seaweed), Axit Humic (chiết xuất từ than bùn) cho bộ lá.

b. Hỗ trợ bộ rễ:

+ Sử dụng chế phẩm Rootwell với 20 ml/20 lít nước/cây (hoặc phân cá ủ) tưới gốc để hỗ trợ bộ rễ mới phát triển mạnh.

+ Sử dụng nấm cộng sinh Mycorrhiza (100g Rhizomyx/cây) hoặc nấm Trichoderma (theo khuyến cáo) để tưới cho bộ rễ.

Bước 5: Tăng cường dinh dưỡng

Sau 20 ngày bón phân hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá (bước 4), thì tiến hành bón phân cho cây để tăng cường dinh dưỡng cho bộ rễ và bộ lá như sau:

a. Bón phân hữu cơ:

Sử dụng phân hữu cơ bón gốc với liều lượng 5 - 10 kg/ cây. Chú ý, phân hữu cơ phải hoai mục hoặc dạng chế biến công nghiệp.

b. Bón phân qua lá:

+ Sử dụng 50 ml Silimax (đạm, kali, canxi, silic) kết hợp 10 g DS Gold/ 20 lít nước (Lượng nước phun 5 lít/cây). Hoặc sử dụng 6,5 g Comcat (có chứa Brassinosteroids) kết hợp với 1g Proline pha trong 20 lít nước (lượng nước phun 5 lít/cây).

+ Phun bổ sung phân bón lá có chứa trung, vi lượng (Basfoliar Combi Stipp, Silica, Basfoliar K, KNO3, Fetrilon  combi,  …)  (phun  2  lần, 7 - 10 ngày/lần).

Việc phục hồi sau hạn mặn thường từ 3 - 7 tháng, tùy theo chủng loại, độ tuổi của cây và mức độ nhiễm mặn trước đây của vườn cây.

Bản tin khuyến nông việt nam
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài