SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá kết quả hemoglobin trong điều trị thiếu máu bằng erythropoietin trên bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ tại bệnh viện đa khoa Bạc Liêu năm 2022-2023

[25/08/2023 09:43]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Đỗ Bảo Tưởng, Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vũ Thị Minh Thư, Huỳnh Thị Bích Trâm, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Nguyễn Trương Lam Linh, Nguyễn Hồng Hà thực hiện.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá kết quả hemoglobin và một số yếu tố liên quan đến kết quả hemoglobin trong điều trị thiếu máu bằng erythropoietin (EPO) trên bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu năm 2022-2023.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 96 hồ sơ bệnh án của bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ được chỉ định điều trị thiếu máu bằng erythropoietin tại khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu từ tháng 4 năm 2022 đến tháng 4 năm 2023.

Thiếu máu trong suy thận mạn là một biến chứng thường xuyên xảy ra và để lại hậu quả nghiêm trọng, tỷ lệ 43% và 57% tương ứng với giai đoạn 1-2 và 3-5, đặc biệt lọc máu định kỳ lên đến 90%. Với sự tiến bộ của y học, năm 1989 thiếu máu có thể điều trị thành công nhờ erythropoietin [4]. Khảo sát ở châu Âu về điều trị thiếu máu đã nghiên cứu đánh giá điều trị thiếu máu 8100 bệnh nhân chạy thận nhân tạo từ 12 quốc gia: cho kết quả chỉ 66% bệnh nhân đạt mục tiêu hemoglobin (Hb) >11g/Dl[7]. Khảo sát 179 bệnh nhân suy thận mạn đang chạy thận nhân tạo ở khoa thận nhân tạo của bệnh viện Chợ Rẫy năm 2003 cho thấy 67,6% bệnh nhân có Hb < 10g/dL, tỷ lệ Hb >11g/dL chỉ có 12,8% [5].

Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu đã thành lập khoa Thận nhân tạo năm 2007. Từ đó cho đến nay EPO đã được sử dụng điều trị thiếu máu cho người bệnh lọc máu chu kỳ tại khoa Thận nhân tạo nhưng chưa có nghiên cứu đánh giá về kết quả điều trị. Vì thế chúng tôi thực hiện đề tài: “Đánh giá kết quả Hemoglobin trong điều trị thiếu máu bằng erythropoietin trên bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu năm 2022-2023” với các mục tiêu: Đánh giá kết quả hemoglobin và một số yếu tố liên quan đến kết quả hemoglobin trong điều trị thiếu máu bằng erythropoietin trên bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu năm 2022-2023.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, số bệnh nhân khi bắt đầu nghiên cứu có Hb nhỏ hơn 10g/dL chiếm tỷ lệ lớn nhất chiếm 70,83%. Mức liều phổ biến nhất là 48000UI. Từ tháng thứ nhất (T1) đến tháng thứ 12 (T3) nồng độ Hb trung bình tăng lên rõ rệt, tại T1 Hb trung bình là 8,68g/dL, tại T3 Hb trung bình là 9,55g/dL. Sau 12 tháng điều trị, RBC trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu có xu hướng tăng lên. Nồng độ Ferritin trung bình khá ổn định và ít dao động trong khoảng thời gian nghiên cứu, dao động trong khoảng 175,63 µg/L – 275,49 µg/L.

Kết luận: Liều EPO phổ biến dùng cho bệnh nhân là 48000 UI/ tháng, tất cả bệnh nhân đều được dùng thuốc EPO tiêm tĩnh mạch sau khi lọc máu. Các chỉ số huyết học: Hb và hồng cầu trung bình tăng. Tuy nhiên cần chú ý đến tốc độ tăng Hb để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Nồng độ ferritin huyết thanh trung bình tăng và nằm trong khoảng giá trị bình thường.

Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài