Triển khai Nghị quyết 19: Chuyên gia nói 'nóng không đều' ở Bộ ngành và địa phương
Đó là quan điểm của chuyên gia khi nói về giải pháp nhằm đẩy mạnh hiệu quả triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhiều kết quả đáng mừng
Tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết 19/2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với cơ quan chuyên môn của USAID tổ chức sáng nay (24/5), TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM đã có những đánh giá khái quát về thành tựu đã đạt được sau quá trình 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Cụ thể, trong 4 năm qua, nhờ có Nghị quyết 19 cùng sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành, cơ quan liên quan, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế).
Đa số trụ cột về hiệu quả thị trường (như thị trường tài chính, lao động, công nghệ và quy mô thị trường) đã có sự cải thiện. Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm ngoái. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính hai năm liêp tiếp thì môi trường kinh doanh của nước ta tăng 23 bậc. Bộ chỉ số thứ ba là đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay.
Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, trong năm 2018, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ (phiên bản thứ 5 của chuỗi Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh) một cách có hiệu quả.
Theo Nghị quyết này, trong năm nay, các chỉ số môi trường kinh doanh cần được cải thiện thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự Kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, thực tế triển khai Nghị quyết 19 còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tìm phương án giải quyết. Ảnh: Phong Lâm
Trong đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể là hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm.
Trong xuất nhập khẩu, giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25% - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%. Đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.
Cần sự vào cuộc sâu hơn, mạnh hơn từ các Bộ, ngành
Mặc dù đã đạt được những kết quả cao, được cộng đồng quốc tế ghi nhận về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc thực hiện Nghị quyết 19 nhưng theo TS Nguyễn Đình Cung, mức độ cải thiện chưa đều và mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trên các chỉ tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh vẫn còn là thách thức.
“Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, nhưng khoảng cách vẫn còn khá xa. Những năm gần đây, các nước trong khu vực ASEAN tập trung cải cách mạnh mẽ hơn Việt Nam cả về số lượng và mức độ. Năm 2017, môi trường kinh doanh của Thái Lan tăng 20 bậc; Indonesia tăng 19 bậc; Brunei tăng 16 bậc. Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong khu vực”, TS Nguyễn Đình Cung cho hay.
Thống kê từ CIEM cũng cho thấy, số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 – 1/2 số ĐKKD hiện hành. Số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10% so với mục tiêu ít nhất 20% đã đề ra; số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu giảm ít nhất 1/2 danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh đó, kết quả đạt được về cải cách ĐKKD và cắt giảm thủ tục hành chính là "nóng" không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, giữa các bộ ngành và địa phương.
Ở những chỉ số, những lĩnh vực, địa phương mà Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thực sự vào cuộc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát Nghị quyết của Chính phủ, thì đạt được kết quả và có cải thiện rõ nét. Có thể kể đến nỗ lực của Bộ Tài chính trong cải thiện chỉ số nộp thuế, cải cách thủ tục hải quan; Tập đoàn điện lực (EVN) là chỉ số tiếp cận điện năng; Bộ Công Thương và Bộ Tài chính bãi bỏ nhiều ĐKKD; Bộ Y tế thay đổi cơ bản cách thức quản lý về An toàn thực phẩm bằng Nghị định 15/2018 thay thế Nghị định 38/2012 về an toàn thực phẩm. Tại các địa phương như Quảng Ninh, Đồng Tháp các sở, ngành, quận huyện đều nổ lực cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi tốt nhất cho DN….
TS Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (giữa) đại diện phía Bộ KH&CN tham dự Hội nghị. Ảnh: Phong Lâm
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ mới có tiến bộ ở các chỉ số, các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; có phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp.
Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù Nghị quyết 19 đã đi vào cuộc sống được hơn 4 năm nay nhưng qua thực tế triển khai, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm triệt để, tạo nên phiền hà cho doanh nghiệp, người dân.
“Vẫn còn có những doanh nghiệp vất vả, phải chạy ngược chạy xuôi để lo các thủ tục giấy tờ liên quan tới kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa, kiểm dịch thực vật. Trên thực tế, tại một số bộ phận hành chính, thủ tục còn khá rườm rà gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Cũng theo Trưởng ban Pháp chế của VCCI, thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19 theo tinh thần của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần vào cuộc sâu hơn, mạnh mẽ hơn nữa, cắt giảm đi những điều kiện gây khó khăn, trở ngại cho doanh nghiệp để tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng.
Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận
Theo nhận định của TS Nguyễn Đình Cung, cùng với các Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng là một trong những cơ quan có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và công nghệ cần phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định về kiểm tra hàng hóa nhập khẩu trong phạm vi trách nhiệm quản lý, thực hiện có hiệu quả Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; rà soát đề nghị các bộ liên quan bỏ đi các quy định mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành không cần thiết, xử lý nghiêm minh các vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Cung nhấn mạnh
|