SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hờ hững với thương hiệu nông sản

[22/11/2011 08:12]

"Tôi rất ngạc nhiên khi sang Quảng Đông, vải ở đây trồng bạt ngàn, nhiều không kém những vùng trồng vải của Việt Nam, song không khỏi nghi ngờ việc rất nhiều vải ở đây được bán dưới thương hiệu Thanh Hà hay Lục Ngạn... "- TS Phạm Văn Tân- Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam cho biết.

Đăng ký bảo hộ theo phong trào

Ông Nguyễn Văn Bảy- Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cảnh báo việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nông sản Việt Nam đang làm theo phong trào mà chưa chú trọng xem việc làm này có thực sự đem lại lợi ích hay không.

Điều này được minh chứng qua câu chuyện mà ông Nguyễn Ngọc Loãn- Phó Chủ tịch huyện Thanh Hà, Hải Dương khi phàn nàn về việc vải Thanh Hà đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý cách đây gần chục năm nhưng để thương hiệu Thanh Hà đem lại lợi ích thực sự còn rất  khó.

Cái khó đầu tiên phải kể đến đó là ý thức của người dân, mặc dù đã hình thành Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, nhưng ít người dân quan tâm. Do vậy, thành lập được gần 4 năm đến nay mới có 350 hội viên, quản lý 49 ha vải trên hơn 5.000 ha vải thiều của huyện; các hoạt động quảng bá tuyên truyền cho thương hiệu này hầu như do các cấp các ngành trong tỉnh và một số tổ chức nước ngoài tài trợ; thậm chí khi nhãn hiệu, lô gô gắn liền với chỉ dẫn địa lý Thanh Hà là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết phân biệt đã được bảo hộ nhưng chính những thành viên trong hiệp hội không phải ai cũng gắn lên sản phẩm để cho người tiêu thụ nhận biết.

Chính điều này, mà các loại vải Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Giang... thậm chí là Trung Quốc đã gắn mác vải Thanh Hà và bị đem bán trên chính mảnh đất Thanh Hà. Thực trạng quả vải Thanh Hà không phải là ngoại lệ mà trước đó đã có bài học từ chè Thái Nguyên, nước mắm Phú Quốc...

Lý giải về điều này, TS.Trần Việt Hùng- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định đó là tình trạng hờ hững với thương hiệu nông sản Việt Nam dù nguy cơ bị “tấn công”  ngay khi chưa được hình thành đang rất rõ. Sự tấn công này nguy hiểm cho nhiều đối tượng, như nông sản và người tiêu dùng nông sản. Đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc mất thương hiệu như gần đây nhất là vụ thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột.

TS Phạm Văn Tân- Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam cũng chia sẻ: Phải thừa nhận rằng, thương hiệu các nông sản nổi tiếng của Việt Nam đang là tài sản được nhiều đối tượng khai thác triệt để và mang lại tiền bạc cho không ít người.

Tôi rất ngạc nhiên khi sang Quảng Đông, vải ở đây trồng bạt ngàn, nhiều không kém những vùng trồng vải của Việt Nam, song không khỏi nghi ngờ việc rất nhiều vải ở đây được bán dưới thương hiệu Thanh Hà hay Lục Ngạn... Điều này cho thấy, thương hiệu nông sản nổi tiếng gắn với vùng địa lý đang ngày càng có giá. Chính vì thế, nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ thương hiệu thì nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế là rất lớn.

1nongsan.jpg

Sự tham gia xây dựng và bảo vệ thương cho những đặc sản nông nghiệp Việt Nam còn thiếu tích cực. (Ảnh: internet)


Hiểu cho đúng

TS Tạ Quang Minh- Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: trong các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, chúng ta chỉ tìm thấy các thuật ngữ “nhãn hiệu”, “chỉ dẫn địa lý”…. không tìm thấy thuật ngữ “thương hiệu”. Vì vậy, việc hiểu đồng nhất, sử dụng đồng nhất thuật ngữ “thương hiệu” với các thuật ngữ “nhãn hiệu” hay “chỉ dẫn địa lý” sẽ gây ra những hiểu lầm về sự việc mà chúng ta nói tới. Từ việc một nhãn hiệu, một chỉ dẫn địa lý của ta bị doanh nghiệp nước ngoài “lấy” để đăng ký nhãn hiệu chỉ có thể nói là nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý của chúng ta bị “mất” (do bị người khác “lấy” để đăng ký thành nhãn hiệu của họ) mà không thể nói là thương hiệu của chúng ta bị “mất”.

Tuy nhiên, vì thương hiệu được xây dựng trên cơ sở một nhãn hiệu hay một chỉ dẫn địa lý nên việc nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý bị “mất” có thể gây ra nguy cơ mất thương hiệu, mất những gì chúng ta đã đạt được từ việc đầu tư xây dựng thương hiệu.

Một nguyên tắc cơ bản của bảo hộ sở hữu trí tuệ mà TS Tạ Quang Minh nhấn mạnh là nguyên tắc bảo hộ theo lãnh thổ, các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu của ta đăng ký ở Việt Nam thì chỉ được bảo hộ ở Việt Nam, không được bảo hộ ở lãnh thổ nước khác. Việc doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của mình ở Việt Nam chỉ có nghĩa là doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó ở Việt Nam (theo nguyên tắc bảo hộ theo lãnh thổ) và trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó chứ không đương nhiên là chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó ở nước ngoài.

Chúng ta không đăng ký ở một nước đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý của chúng ta có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp nước họ. Họ có thể trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, có độc quyền sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký, có quyền cấm các doanh nghiệp khác (kể cả doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam) sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm đã được đăng ký.

Song, điểu mà rất nhiều chuyên gia đều nhấn mạnh, thương hiệu không chỉ đơn giản là một nhãn hiệu, một chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ. Thương hiệu phải được hiểu rộng hơn thế, là tất cả những gì mà doanh nghiệp đạt được (danh tiếng, uy tín, thị trường, sản phẩm…) trong cả quá trình xây dựng lâu dài. Chính vì vậy, bảo hộ thương hiệu sản phẩm chỉ là bước đầu của quá trình xây dựng một thương hiệu có uy tín. Ông Nghiêm Quốc Bảo, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam khẳng định, tài sản trí tuệ chỉ phát huy khi thực sự nhận thức được giá trị của nó.

TS Trần Việt Hùng khẳng định: cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng mới đảm bảo duy trì và đứng vững của một thương hiệu.

baohaiquan.vn (ntctu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài