SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng mô hình sản xuất bò lai sind tại xã Phú An, huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ.

[29/11/2011 20:51]

Chủ nhiệm dự án: Ông Nguyễn Hữu Lý; Cơ quan chủ trì: Phòng Công- Thương- Khoa học- Môi trường huyện Cái Răng; Cơ quan phối hợp: Chi cục Thú y, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, Trạm Thú y huyện Châu Thành, UBND xã Phú An. Thời gian thực hiện: 2001-2003.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

            Xã Phú An, huyện Châu Thành là một xã nông nghiệp ở ngoại thành TP. Cần Thơ. Diện tích đất nông nghiệp ở đây chủ yếu là trồng lúa và cây ăn trái. Những năm qua do dịch bệnh và ngập lũ nên diện tích vườn cây ăn trái cho thu nhập chưa cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. 

            Nhằm đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và phát huy được thế mạnh tiềm tàng lớn của địa phương, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất bò lai sind tại Phú An, Châu Thành tỉnh Cần Thơ  đã được triển khai thực hiện. Đây là biện pháp tích cực nhằm khai thác các thế mạnh của xã và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi tại địa phương.

II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

1.      Mục tiêu

 Xây dựng mô hình sản xuất giống bò lai Sind ở hộ gia đình áp dụng những tiến bộ kỹ thuật như gieo tinh nhân tạo bò, bổ sung chất khoáng bằng khối đá liếm, trồng cỏ chủ động thức ăn thô xanh cho bò... nhằm sản xuất ra con giống lai F1 hường thịt cung ứng cho nhu cầu phát triển chăn nuôi bò trong huyện.

2. Nội dung và phương pháp

            -  Điều tra chọn hộ tham gia:

            Tiến hành chọn hộ nông dân thông qua: chính quyền, các đoàn thể địa phương, tổ chức đăng ký, thẩm định khả năng theo tiêu chuẩn và chọn hộ ký hợp đồng.

            - Huấn luyện đào tạo: nhằm nâng cao kiến thức và áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi bò.

            + Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hộ nông dân.

+ Đào tạo kỹ thuật viên chăn nuôi, kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo bò.

            -  Chuyển giao bò giống: mua giống bò vàng tốt ở Tri Tôn, Thủ Đức và Tây Ninh về chuyển giao cho những hộ tham gia dự án.

            - Chuyển giao 50 con bò vàng, trung bình 5 con/ hộ. Bò ở độ tuổi từ 12 - 16 tháng, trọng lượng 120 - 150 kg/con.

- Chuyển giao giống cỏ trồng làm thức ăn xanh cho bò: chuyển giao giống cỏ và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cỏ.

            - Áp dụng tiến bộ kỹ thuật:

                        +  Kỹ thuật gieo tinh nhân tạo cho bò.

                        + Trang bị các dụng cụ gieo tinh, tinh bò, bình nitơ, găng tay và dụng cụ bảo quản.

                        + Mua tinh bò tại Công ty Kỹ thuật Truyền giống Trâu bò và Vật tư.

                        + Kỹ thuật bổ sung dinh dưỡng cho đàn bò.

                        + Chuyển giao khối đá liếm (bổ sung thêm chất khoáng cho bò).

            + Chuyển giao phương pháp chế biến thức ăn tinh và ủ rơm urea.

            - Các chỉ tiêu kỹ thuật:

                        + Khả năng sinh trưởng: trọng lượng lúc 18 tháng tuổi, động dục lần đầu, lứa đẻ thứ 1,2.

                        + Theo dõi phối giống sinh sản: tỷ lệ đậu thai, trọng lượng bê sơ sinh.

III. KẾT QUẢ

1. Đào tạo, tham quan, tập huấn.

- Đã đào tạo được một cán bộ kỹ thuật gieo tinh nhân tạo.

- Tổ chức tập huấn cho 200 lượt nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, phòng trị bệnh...

- Tổ chức một cuộc tham quan mô hình nuôi bò thịt tại Nông trường sông Hậu cho 18 hộ trong dự án và 30 nông dân quan tâm chăn nuôi bò.

2. Kết quả xây dựng mô hình

a)  Chuyển giao bò giống:

Số lượng bò được chuyển giao:

+ Đợt 1: chuyển giao 17 con cho 7 hộ nông dân.

+ Đợt 2: chuyển giao 25 con cho 11 hộ nông dân.

Tình hình phát triển của đàn bò sau khi chuyển giao: tổng số 42 con bò cái giống sau khi giao khoảng 3 tháng, bò phát triển tốt tăng trọng nhanh, trọng lượng bò đạt 130 -190kg và có biểu hiện động dục đồng loạt, nhưng chưa phối giống được do: trọng lượng bò phải đạt từ 250 - 300 kg; tại địa bàn thực hiện dự án không có bò đực giống để phối trực tiếp; khi bò đủ trọng lượng thì có biểu hiện bệnh ở đường sinh dục.

+ Đến tháng 5 - 2003 đàn bò của dự án đã sinh được 9 bê con, trong đó có 01 con bê sữa.

+ Đã loại thải 3/42 con bò cái, trong đó: 02 con do nhiễm bệnh chết và 01 con chết do té xuống ao).

            b) Áp dụng gieo tinh:

            - Kỹ thuật viên gieo tinh bò sau khi được đào tạo về được trang bị dụng cụ và thực hiện gieo tinh cho bò ở địa phương.

            - Nguồn tinh giống được khuyến nông mua từ  Công ty Kỹ thuật Truyền giống Trâu bò và Vật tư.

            - Đã tiến hành gieo tinh nhân tạo trên 150 liều tinh cho bò cái, sinh sản được 40 bê con, trong đó 09 bê con thuộc dự án. (tính đến tháng 05 năm 2003).

            c) Phòng trị bệnh:

            - Kết hợp Trạm thú y lập danh sách tiêm phòng vaccin miễn phí cho toàn bộ đàn bò.

            - Kết hợp cán bộ kỹ thuật và chuyên gia dự án hướng dẫn các hộ thực hiện tẩy giun sán, ký sinh trùng đường máu, sát trùng..

            d) Áp dụng bổ sung dinh dưỡng: trồng cỏ voi bổ sung thức ăn cho bò.

- Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 100% cỏ voi giống cho 5 hộ tham gia dự án với diện tích trồng là 2.000 m2. Sản lượng đạt ở mức cao 150 tấn/ha/năm.

            - Sử dụng thức ăn tinh: đối với bò mang thai và đang nuôi con hỗ trợ 100% thức ăn tinh. Nguồn thức ăn được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông trong thời gian 2 năm (2002- 2003).

            e) Kết quả theo dõi các chỉ tiêu:

            Trong điều kiện có thức ăn xanh cỏ cho ăn tự nhiên và dinh dưỡng có bổ sung thức ăn tinh, cám gạo.

            So sánh giữa bê thụ tinh nhân tạo và bê cho phối giống trực tiếp về trọng lượng từ lúc sơ sinh cho đến khi 18 tháng tuổi.

 

TT

Các chỉ tiêu theo dõi

Nhân tạo HF

Nhân tạo

(Red sind hi)

Trực tiếp

 (Zebu)

1

Trọng lượng bê sơ sinh

25 - 35 kg

20 - 25 kg

18 - 30 kg

2

Trọng lượng bê lai Sind 7 tháng tuổi

200 - 280 kg

160 - 210

120 - 160 kg

3

Trọng lượng lúc 18 tháng tuổi

350 - 400 kg

280 - 320 kg

250 - 280 kg

 IV. HIỆU QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA DỰ ÁN

1. Hiệu quả kinh tế

            Sau 20 tháng nuôi, trọng lượng trung bình bò đạt được từ 250 -350 kg. Giá bán bò giống khoảng 6 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí trung bình mỗi con bò giống lãi khoảng 3,408 triệu đồng.

            Đối với bê sơ sinh sử dụng nguồn thức ăn là các phụ phẩm, cỏ tươi có sẳn. Sau 7 tháng nuôi giá bán mỗi con từ 4 - 5,5 triệu đồng, chi phí khoảng 60.000 đồng (gieo tinh, tiêm ngừa). Trung bình mỗi con lãi khoảng 3,9 đến 5,5 triệu đồng.

            So sánh giá trị giữa bê lai sind, bê sữa và bê vàng địa phương không lai sind 7 tháng tuổi, cho thấy giá bán bê lai sind luôn cao hơn giá bê vàng địa phương từ 1 đến 2 triệu đồng/con.

            Qua 2 năm thực hiện số bê sinh ra được 09 con, trong đó 03 con đực lai sind, 05 con cái lai sind và 01 con bê sữa cái F1.

            Kết quả đo tính trọng lượng bình quân của bê 7 tháng tuổi cho thấy bê lai sind và sữa tăng trọng nhanh hơn bê vàng địa phương ở cùng điều kiện.

            2. Hiệu quả xã hội

            Dự  án đã góp phần phát triển số lượng của đàn bò địa phương: từ 15 con lên 97 con; tạo được mô hình sản xuất mới, tạo được việc làm sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, ít tốn kém. Giúp tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình.

            Dự án phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về mục tiêu dự án chuyển giao ứng dụng khoa học về nông thôn.

V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Tuy bước đầu còn gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý và điều hành dự án nên kết quả dự án chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhưng cần phải khẳng định rằng bò lai sind hướng thịt là đối tượng chăn nuôi có giá trị kinh tế, đem lại lợi nhuận cao phù hợp với những nông hộ có lao động nhàn rỗi. Ban chủ nhiệm dự án đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ mở rộng mô hình nuôi đối tượng này.

Trong những năm tới, thực hiện những dự án về chăn nuôi, trồng trọt các cấp quan tâm nhu cầu kinh phí dự án theo kế hoạch do trong nông nghiệp mang tính thời vụ rất cao nếu không kịp thời dự án rất khó thành công.

Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài