SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng mô hình nạc hóa đàn heo tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Cần Thơ (cũ)

[29/11/2011 21:10]

Chủ nhiệm dự án: Ông Mai Thanh Trường; Cơ quan chủ trì: Phòng Công thương Khoa học và Môi trường Vị Thủy; Cơ quan phối hợp: Phòng Nông nghiệp huyện Vị Thủy, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân, Khoa Nông nghiệp ĐHCT.Thời gian thực hiện:2000 - 2001.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Cần Thơ có đường giao thông bộ rất thuận lợi cho việc giao lưu, vận chuyển với các huyện Long Mỹ, thị xã Vị Thanh và huyện Gò Quao (Kiên Giang). Cũng như các huyện khác và TP. Cần Thơ, người dân nơi đây có tập quán chăn nuôi lâu đời, có đàn heo tương đối ổn định nhưng hiệu quả sản xuất chưa cao. Người chăn nuôi mong muốn được tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giống mới để phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống gia đình. Vì vậy, việc xây dựng mô hình “Nạc hóa đàn heo tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy” đã được nhiều hộ hưởng ứng và tham gia thực hiện dự án.

II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC  HIỆN

1. Mục tiêu:

Nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, cải tạo giống heo địa phương để có tỷ lệ nạc trong thân thịt đạt 45-48%. Trọng lượng xuất 100 kg ở 8 tháng nuôi; tập huấn 100 lượt nông dân về kỹ thuật chăn nuôi heo; đào tạo 5 kỹ thuật viên trong, đó có 2 kỹ thuật viên chăn nuôi và 3 kỹ thuật viên gieo tinh heo và xây dựng điểm gieo tinh nhân tạo heo.

2. Nội dung:

Xây dựng mô hình nạc hóa đàn heo tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy nhằm cải thiện năng suất và chất lượng đàn heo tại địa phương. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống.

3. Phương pháp thực hiện:

- Thành lập tổ chuyên gia.

   - Các bước tiến hành :

+ Điều tra tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, mức sống và yêu cầu phát triển của 50 hộ chăn nuôi tại vùng triển khai dự án trước khi đưa mô hình vào áp dụng.

+ Chọn 24 hộ có điều kiện chăn nuôi heo để tham gia thực hiện dự án.

+ Chuyển giao khoa học công nghệ.

+ Hướng dẫn nông dân tận dụng các nguồn thức ăn hiện có tại địa phương với giá rẻ để giảm chi phí giá thành, tăng lợi nhuận, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

+ Tận dụng các nguồn chất thải để làm phân bón cho cây trồng hoặc tạo nguồn chất đốt cho gia đình từ các túi ủ khí sinh học biogas.

+ Phát triển các ngành nghề mới để phá thế độc canh cây lúa, qua đó tăng thu nhập cho kinh tế gia đình (tận dụng mặt bằng, ao, mương, lao động nhàn rỗi, … để nuôi heo, cá).

+ Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện dự án.

+ Điều tra kết quả thực hiện dự án.

+ Tổng kết và đánh giá dự án.

III. KẾT QUẢ

1. Xây dựng mô hình nạc hóa đàn heo:

   a) Xây dựng đàn heo giống nền cao sản:

   - Chọn mua heo giống Yorkshire của trại heo thực nghiệm thuộc Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ.

- Số lượng heo chuyển giao là 20 heo nái giống có trọng lượng từ 18-40 kg/con, 4 heo đực giống có trọng lượng từ 75-93 kg/con. Số heo này được dùng làm đàn heo giống nền cao sản. Từ đó, nhân giống ra và cho lai với đàn heo địa phương để tạo đàn heo lai có năng suất và chất lượng.

  b) Đàn heo nái sinh sản

   - Về nuôi dưỡng: đa số các hộ chăn nuôi (12/20 hộ) đều biết tận dụng các nguồn thức ăn hiện có của gia đình và địa phương kết hợp bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp HI GRO 354 để đảm bảo chất dinh dưỡng cho gia súc phát triển, đồng thời giảm được chi phí giá thành. 2/20 hộ sử dụng hoàn toàn thức ăn hỗn hợp để nuôi heo nên chi phí giá thành cao và lợi nhuận thấp. 6/20 hộ tận dụng hoàn toàn thức ăn của gia đình để nuôi. Giữa 3 cách nuôi khác biệt trên đều thể hiện rõ qua kết quả sinh sản của đàn heo nái.

- Về sinh sản: kết quả lứa đẻ đầu tiên của 20 heo nái giống Yorkshire như sau:

+ Chỉ có 01 trường hợp là đẻ 8 con/lứa, còn các heo khác đều đẻ từ 10-14 con/lứa.

           + Số con còn sống sau khi sinh bình quân là 11,3 con/lứa.

           + Số heo con cai sữa bình quân 10,85 con/lứa.  Tỷ lệ hao hụt từ sơ sinh đến cai sữa chủ yếu do bị heo mẹ đè (0,04%).

         + Thời gian cai sữa biến động từ 35-60 ngày, bình quân cai sữa là 43 ngày. Đa số cai sữa tập trung vào thời gian 45 ngày tuổi.

Ở lứa heo đầu tiên, 20 heo nái trong dự án đã sản xuất được 217 heo con. Trong đó, có khoảng 100 con được giữ lại làm giống, số còn lại được nuôi thịt, phát triển rất tốt. Thời gian nuôi đến xuất chuồng 100kg khoảng 4-5 tháng, có chất lượng thịt cao, tỷ lệ nạc trên 50%, giá bán thường cao hơn heo địa phương từ 1.000-2.000kg/kg.

  - Hiệu quả kinh tế: nhìn chung, năm 2001 giá heo giống từ 26.000-30.000 đ/kg. Do đó, người chăn nuôi heo nái có lãi, bình quân thu nhập 1 lứa heo con khoảng 3.000.000 đ và thu nhập một năm khoảng trên 6.000.000 – 7.000.000đ/heo nái/năm.

c) Đàn heo đực giống:

   - Về nuôi dưỡng: có ¾ hộ nuôi heo đực giống bằng cách kết hợp tận dụng thức ăn sẵn có tại gia đình với thức ăn hỗn hợp, heo đực giống phát triển tốt, không có sự khác biệt rõ về sinh trưởng và tuổi sử dụng lần đầu. Tuổi sử dụng lần đầu bình quân là 7,5 tháng tuổi. Trọng lượng lúc sử dụng lần đầu bình quân đạt 125 kg/con.

 - Về sinh sản :

      + Số lần phối giống trong tuần là 1,63 lần, trong 1 tháng là 6,52 lần. Tỷ lệ đậu thai đạt bình quân 80%

       + Số heo con đẻ ra trong 1 lứa  bình quân là 8,5 con.

 Có sự khác biệt giữa hai phương thức nuôi, nuôi heo hoàn toàn bằng thức ăn hỗn hợp thì phối giống cho số con trên lứa cao hơn nuôi bằng cách tận dụng thức ăn sẵn có và bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp.

Trong 7 tháng, đàn heo đực giống đã sản xuất được 931 heo con (3 x 6,52 lần/tháng x 7 tháng x 80% x 8,5 con/lứa = 931 heo con).

                        + Số heo con được giữ lại làm giống là 232 con.

                        + Số heo con được nuôi thịt là 699 con.

Đối với heo lai (giữa heo đực Yorkshire với heo nái địa phương (bông ba Xuyên, trắng Thuộc Nhiêu)), nuôi thịt phát triển tốt, tốc độ lớn nhanh hơn. Thời gian nuôi rút ngắn từ 2-3 tháng (trước đây nuôi thịt phải mất 8-10 tháng, nay chỉ còn khoảng 6-7 tháng).

+ Tiêu tốn thức ăn giảm từ 5-5,5 kg xuống còn 4-4,5 kg/kg tăng trọng.

+ Về phẩm chất thịt cũng được cải thiện rất nhiều, heo có tỷ lệ nạc từ 40-45% (so với heo địa phương chưa lai với heo Yorkshire thì cho tỷ lệ nạc thấp khoảng 35-38%, heo nhiều mỡ nên khó bán và bán không có giá).

d) Xây dựng điểm gieo tinh: dự án đã đầu tư xây dựng điểm gieo tinh nhân tạo heo tại thị trấn Nàng Mau để phục vụ cho việc nhân giống và lai tạo giống heo không những cho heo trong dự án mà còn cho cả khu vực xung quanh, giúp phát triển nhanh dự án nạc hóa đàn heo tại địa phương.

IV. KẾT LẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận:

Dự án nạc hóa đàn heo tại thị trấn Nàng Mau đã đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất tại địa phương, giúp tăng thêm thu nhập kinh tế hộ, góp phần phá thế độc canh cây lúa của nông dân, tạo điều kiện để nông nghiệp phát triền toàn diện và bền vững;

Dự án chỉ đầu tư cho 24 hộ chăn nuôi, nhưng đã góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại thị trấn Nàng Mau, tạo điều kiện cho trên 100 hộ nông dân thấy được lợi ích của việc phát triển thêm nghề chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất của nông hộ, là nguồn thu nhập khá và tạo điều kiện để phát triển thêm các ngành nghề khác như nuôi cá, dịch vụ,…

            Việc đầu tư con giống đã tạo điều kiện cho địa phương phát triển chăn nuôi với con giống có chất lượng cao, góp phần cải thiện con giống tại địa phương có năng suất và phẩm chất tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng cao.

         2. Kiến nghị :

         Đề nghị tỉnh, huyện nhân rộng mô hình nạc hóa đàn heo ra các huyện, xã khác để từng bước đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện và bền vững.

V. HIỆU QUẢ ỨNG DỤNG VÀO THỰC TIỄN

            Với kết quả ban đầu ghi nhận được cho thấy, điểm gieo tinh nhân tạo đã từng bước đi vào nề nếp và đạt kết tốt.       Trong 7 tháng hoạt động, điểm gieo tinh sản xuất được 931 heo con. Nếu so với hiệu quả của 03 heo đực giống phối trực tiếp thì 01 heo đực giống lấy tinh đạt 57%. Qua đó, hiệu quả kinh tế của gieo tinh nhân tạo hơn hẵn nuôi heo phối giống trực tiếp, giảm chi phí nuôi heo đực giống, khả năng phục vụ vùng sâu, vùng xa sẽ thuận lợi hơn.

            Ngoài ra, dự án còn đầu tư để cho các hộ giải quyết chất thải từ chăn nuôi heo để đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong số 24 hộ tham gia dự án thì có 19 hộ có lắp đặt túi khí sinh học (biogas) với mức hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt.  Còn 5 hộ không lắp đặt túi biogas mà chỉ làm các hố ủ phân để tận dụng phân chuồng bón cho cây trồng để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài