SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi cá trong mương tại phường 4, Thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ.

[29/11/2011 21:17]

Chủ nhiệm dự án: Ks. Nguyễn Phúc Cầm; Cơ quan chủ trì: Phòng Công thương Khoa học và Môi trường thị xã Vị Thanh; Cơ quan phối hợp:Phòng Nông nghiệp TX. Vị Thanh, Trạm Thú y, Trạm khuyến nông; Thời gian thực hiện:2000-2001.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

        Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật có rất nhiều thành tựu giống cây trồng, vật nuôi cũng như việc kết hợp canh tác các giống cây trồng vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu này trong sản xuất cũng còn hạn chế. Do đó, việc xây dựng các mô hình sản xuất để trình diễn và phổ biến là điều rất cần thiết.

         Xuất phát từ mục tiêu trên, dự án Xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi cá trong mương tại phường 4, thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ đã được thực hiện với sự  tham gia nhiệt tình của nhiều hộ dân nơi đây.

II.  MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

       1. Mục tiêu:

      Đưa tiến bộ khoa học công nghệ có chọn lọc phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của vùng dự án để phát triển kinh tế xã hội và góp phần nâng cao đời sống người dân trong vùng dự án. Dự án sẽ xây dựng mô hình điểm để từ đó nhân ra các phường, xã khác, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với sinh thái, nâng cao hiệu quả sản xuất một cách ổn định và bền vững.

            Thay đổi tập quá chăn nuôi, sử dụng giống mới có năng suất cao và tăng hiệu quả mô hình bằng phương thức nuôi kết hợp gà - cá. Dự kiến kết quả đạt được từ gà 1.000 con/1.200 con đầu tư, trọng lượng xuất chuồng bình quân 1,8-2kg/con sau 6-7 tháng nuôi. Cá 9.600 con, tương đương 5.760 kg/12.000 con đầu tư, bình quân 0,6 kg/con. Tập huấn 100 lượt nông dân kỹ thuật chăn nuôi gà, cá; đào tạo 4 kỹ thuật viên chăn nuôi cho vùng dự án.

     2. Nội dung:

         Xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi cá trong mương để tận dụng mặt bằng cũng như nguồn thức ăn tự nhiên, phát triển thêm ngành nghề, tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống nông dân.

      3. Phương pháp:

         - Điều tra tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, mức sống và yêu cầu phát triển của người dân tại vùng triển khai dự án để đưa mô hình vào áp dụng; điều tra tình hình chăn nuôi và kinh tế hộ của các hộ tham gia dự án (12 hộ) và những hộ xung quanh (38 hộ). Chọn 12 hộ có đủ điều kiện tham gia dự án.

         - Chuyển giao khoa học công nghệ

         - Hướng dẫn nông dân tận dụng các nguồn thức ăn hiện có tại địa phương với giá rẻ để giảm chi phí giá thành, tăng lợi nhuận.

         - Tận dụng các nguồn chất thải để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường như nuôi một số giống cá có khả năng ăn các chất thải từ chăn nuôi.

         - Phát triển thêm các ngành nghề mới để phá thế độc canh cây lúa, tăng thêm thu nhập cho kinh tế gia đình

         - Kết hợp mô hình nuôi gà - cá để tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập.

         - Điều tra kết quả thực hiện dự án

         - Tổng kết và đánh giá dự án.

III. KẾT QUẢ

       1. Điều tra cơ bản tình hình chăn nuôi và kinh tế hộ:

            - Tình hình sản xuất nông nghiệp:

            + Chăn nuôi heo thịt: có 35/51 hộ nuôi heo thịt, chiếm 68,63% tổng hộ điều tra. Bình quân 1 hộ nuôi 2,73 con/năm. Thu nhập bình quân từ chăn nuôi heo thịt/hộ/năm là 1,006 - 4,2 triệu đồng/năm.

            + Chăn nuôi heo nái: có 22/51 hộ nuôi heo nái, chiếm 43,14% tổng hộ điều tra. Trong đó có 3 hộ chuyên nuôi heo nái, chiếm 5,88% tổng số hộ nuôi heo nái. Bình quân 1 hộ nuôi 1,41 con/năm. Hộ nuôi nhiều nhất là 3 con/năm. Thu nhập bình quân từ chăn nuôi heo nái/hộ/năm là 851.613 đ - 3 triệu đồng/năm.

            + Chăn nuôi heo đực giống: có 3/51 hộ nuôi heo giống, chiếm 5,88% tổng hộ điều tra. Số lượng heo đực giống nuôi là 5 con. Bình quân 1 hộ nuôi 1,67 con/năm. Hộ nuôi nhiều nhất là 2 con/năm. Thu nhập từ heo đực giống là 1,76 triệu - 5 triệu đồng/năm.

            + Chăn nuôi vịt đẻ: có 14/51 hộ nuôi vịt đẻ, chiếm 27,45% tổng hộ điều tra. Quy mô đàn vịt đẻ từ 2-20 con/hộ. Thu nhập bình quân từ nuôi vịt đẻ/hộ/năm là 135.714-600.000 đ/năm.

            + Chăn nuôi vịt thịt: có 24/51 hộ nuôi vịt thịt, chiếm 47,06% tổng hộ điều tra. Quy mô đàn vịt thịt từ 2-100 con/hộ. Thu nhập bình quân từ nuôi vịt thịt/hộ/năm là 182.708 đ - 1.000.000 đ/năm.

            + Chăn nuôi gà đẻ: có 36/51 hộ nuôi gà đẻ, chiếm 70,59% tổng hộ điều tra. Quy mô đàn gà đẻ từ 1-25 con/hộ. Thu nhập bình quân từ nuôi gà đẻ/hộ/năm là 90.000 đ - 300.000đ/năm.

            + Chăn nuôi gà thịt : có 38/51 hộ nuôi gà thịt, chiếm 74,51% tổng hộ điều tra. Quy mô đàn gà thịt từ 10-100 con/hộ. Thu nhập bình quân từ nuôi gà thịt/hộ/năm là 302.632 đ - 1.000.000đ/năm

            Nhìn chung, đa số hộ đều có chăn nuôi 49/51 hộ (96,08%) với nhiều loại gia súc, gia cầm, số lượng không nhiều. Bình quân thu nhập từ chăn nuôi là 2.194.388 đ - 9 triệu đồng/năm.

      2. Tập huấn nông dân và đào tạo kỹ thuật viên :

            - Dự án đã tổ chức 2 đợt tập huấn kỹ thuật cho 98 lượt nông dân tại địa bàn triển khai dự án về kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, đạt 98% kế hoạch.

            - Đào tạo kỹ thuật viên (KTV): dự án đã đào tạo 4 kỹ thuật viên cho địa bàn triển khai dự án, đạt 100% kế hoạch.

            Đào tạo KTV về chăn nuôi thú y: hướng dẫn kỹ năng nhận biết các giống gà thông thường, cách chọn gà con, gà mái, gà trống, chọn trứng và bảo quản để ấp; hướng dẫn sử dụng các dụng cụ thú y như ống chích, kim, kỹ thuật lấy thuốc, tiêm thuốc, vị trí tiêm thuốc đối với gia cầm, gia súc; hướng dẫn sử dụng một số thuốc thú y và phương pháp chẩn đoán bệnh.

      3. Xây dựng mô hình chăn nuôi gà - cá :

            a) Mô hình nuôi gà :

            - Chọn mua gà giống của trại gà thuộc Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ

            - Đặt mua gà giống 1 tháng tuổi để hạn chế hao hụt, với số lượng 1.200 con

            *  Đặc điểm:

            - Ngoại hình: gà có lông màu vàng nhưng không đồng nhất, đa số điểm lông đen ở cổ, cánh và đuôi tương tự như gà ta, gà tàu vàng. Tuy nhiên cũng có một số gà có màu lông vàng nhạt hay vàng sậm, là đặc trưng của các giống gà ngoại nhập như Tam Hoàng, Newhampshire, Hubba commet.

- Sinh trưởng: trong điều kiện chăn nuôi thả vườn, gà có khả năng phát triển như sau :

 

Tháng tuổi

Trọng lượng

1 tháng

80-150 g

2 tháng

300-400 g

3 tháng

800-1000 g

4 tháng

1400-1800 g

5 tháng

1500-2000 g

6 tháng

1800-2500 g

Từ tháng thứ 6 gà mái đẻ trứng

 

            - Về giới tính : con trống có trọng lượng lớn hơn con mái.

 

Đợt

Ngày nhận

Số lượng gà

Hao hụt tuần đầu

1

12/7/2001

300 con

18,33%

2

18/7/2001

300 con

13,00%

3

25/7/2001

300 con

10,66%

4

1-3/8/2001

300 con

16,00%

             Tổng số hộ nhận gà nuôi là 11 hộ. Bình quân mỗi hộ nhận 100 - 200 con tại điểm triển khai dự án.

            Chuồng trại: tất cả các hộ chăn nuôi đều có xây chuồng nuôi gà trên đất liền, gần ao cá để tận dụng chất thải nuôi gà làm thức ăn cho cá. Ban ngày, gà được thả ra vườn để kiếm ăn.

            Nuôi dưỡng:

            - Một số hộ có điều kiện cho gà ăn thức ăn hỗn hợp cho đến lúc bán. Đàn gà phát triển tốt, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Một số hộ không đầu tư thức ăn hỗn hợp mà chỉ cho ăn lúa nên đàn gà chậm lớn.

         - Một số hộ cho gà ăn lúa có trộn thêm thức ăn hỗn hợp hay ốc bươu vàng thì đàn gà phát triển tốt, chi phí thấp nên có lãi chút ít.

         - Một số hộ xem nhẹ khâu chăm sóc, quản lý nên gà bị hao hụt nhiều do bị lạnh, ăn uống thiếu, bị các loài khác cắn, bị kẹt vào lướt bao, rớt xuống mương chết, bị bắt trộm, …

            Hiệu quả kinh tế:

            Số lượng gà ở mỗi hộ khoảng 100 con là không nhiều. Do đó để làm kinh tế cải thiện đời sống gia đình cần phải nuôi với số lượng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn ở các hộ tham gia dự án đã tạo điều kiện để các hộ này quan tâm và phát triển thêm ngành nghề mới. Được hướng dẫn kỹ thuật và qua thực tế nuôi, nhiều hộ đã có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gà thả vườn từ khâu chọn giống, giải quyết thức ăn, cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho gà và thời vụ nuôi.

            Qua đợt kiểm tra vào cuối tháng 10/2001 cho thấy có hộ đã xuất bán gà với số lượng nhiều (khoảng 20-30 con) sau 3,5 - 4 tháng nuôi.

            b) Mô hình nuôi cá trong ao, mương:

            Cá giống: mua cá ở các cơ sở sản xuất cá giống tại địa phương. Trong đó: 9 hộ nuôi 5.460 con tai tượng; 3 hộ nhận nuôi 15 kg sặc rằn (khoảng 6.000 con); 01 hộ nhận nuôi 04 kg cá mè vinh và 4 kg cá rô phi (khoảng 4.000 con). Chất lượng cá giống tương đối tốt, tuy nhiên tuần lễ đầu tỷ lệ hao hụt cao từ 5 - 30% (có hộ hao hụt 70 - 80%) do khâu chuyển giao cá giống chưa tốt.

            Chuẩn bị ao mương: một số hộ chuẩn bị trước ao mương như sên vét, diệt cá tạp, bón vôi... nên cá ít bị hao hụt và phát triển tốt. Đa số các hộ trước đây chưa nuôi cá nên không có kinh nghiệm nên chuẩn bị ao mương chưa đạt yêu cầu nên số lượng cá bị hao hụt cao.

            Nuôi dưỡng: đa số hộ chưa kết hợp được nuôi gà với cá để tận dụng chất thải từ chăn nuôi gà để làm thức ăn cho cá. Việc đầu tư thức ăn cho cá cũng hạn chế nên cá phát triển chậm, hao hụt nhiều. Đến thời điểm thu hoạch cá chỉ có một hộ bán được 60 kg cá mè vinh, cá sặc rằn thu được 600.000 đồng, bình quân 10.000 đ/kg. Cá tai tượng còn nhỏ chỉ đạt trọng lượng 300 - 400 g/con nên chưa bán.

            Hiệu quả kinh tế và đời sống: do chưa có kinh nghiệm trong chuẩn bị ao mương ban đầu nên mức hao hụt nhiều (57%). Mức đầu tư thức ăn cũng bị hạn chế nên cá chậm lớn.

            Nhìn chung, các hộ nuôi để cải thiện bửa ăn gia đình là chính nên số lượng xuất bán không nhiều. Kết quả, đã bán được 335 kg cá thịt với giá bình quân 15.000 đ/kg. Tổng số tiền thu được từ bán cá là 5.025.000 đồng. Hộ bán nhiều nhất được 40 kg, thu được 600 đồng.

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

            1. Kết luận :

            Dự án xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi cá trong mương vườn tại phường 4, thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ đã đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất tại địa phương, góp phần phá thế độc canh cây lúa, mở ra nhiều ngành nghề mới, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ tham gia dự án. Ngoài ra, dự án cũng là điểm trình diễn cho các hộ chung quanh học tập, rút kinh nghiệm và phát triển mô hình rộng rãi.

            Dự án chỉ đầu tư hỗ trợ cho 12 hộ xây dựng mô hình nuôi gà - cá ở phường 4 thị xã Vị Thanh, dù số lượng không nhiều nhưng qua thực tế sản xuất thì các hộ này đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng mô hình, chuyển giao khoa học công nghệ, khâu tổ chức và giao nhận con giống,…

   2. Kiến nghị :

            - Cần đầu tư hỗ trợ thêm một số hộ trong và ngoài khu vực phường 4, thị xã Vị Thanh. Đồng thời, tiếp tục xây dựng mô hình để giúp địa phương phát triển thêm các ngành nghề khác, phá bỏ tập quán độc canh cây lúa, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.

            - Việc cấp kinh phí nên theo kế hoạch và theo tiến độ thực hiện của dự án để đạt kết quả tốt vì sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, liên tục và đồng bộ, nếu không dự án triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài