SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Trả lại giá trị cho cây quế Trà My

[12/01/2012 08:13]

Vào đầu thập niên 1980, 1kg quế Trà My trị giá khoàng 1 chỉ vàng, giờ đây, tụt giá còn... 20.000 đ/kg. Người dân hy vọng việc Cục Sở hữu trí tuệ mới đây cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Trà My” cho sản phẩm quế Trà My (Quảng Nam) sẽ khôi phục lại nghề trồng quế cho địa phương.

Những năm 1980-1985, cây quế Trà My bản địa cho lợi nhuận rất cao, 1 cây quế có đường kính bằng thùng gánh nước cho khoảng 10kg quế khô, trị giá khoảng 1 cây vàng. Nhưng rồi từ năm 1985 đến nay, nhiều đơn vị đã tiến hành ươm cây quế Bắc (giống quế từ Bắc du nhập vào Quảng Nam) bán cho dân, khiến chất lượng cây quế bị giảm sút, ảnh hưởng đến thương hiệu cây quế gốc.

Sắp đến hồi vắng bóng

Ông Lương Văn Việt (54 tuổi), một hộ dân xã Trà Giang - Bắc Trà My cho biết, giá 1kg quế gần đây trung bình chỉ còn 6.000-7.000 đồng là một thực tế nghiệt ngã. "Bức xúc, có hộ đã tự chặt bỏ loại quế đó, tìm giống quế gốc về trồng, nhưng dù phân biệt rõ sự chênh lệch giá trị giữa quế gốc và quế Bắc, tư thương vẫn cứ ép giá, khiến quế nào cũng như nhau, cũng được mua với giá 20.000 đồng/kg (quế lấy từ thân) và 6.000-8.000đồng/kg đối với quế nhánh, quế cành", ông Việt ngao ngán.

Năm 2002 tới nay, vườn quế nhà ông Việt với gần 1 héc ta, trồng 5.500 cây quế Bắc rơi vào điêu đứng, nhưng ông vẫn an phận giữ lại khu vườn vì không nỡ phá bỏ. Trong khi đó, vườn quế 200m2 được trồng với mật độ dày (800 cây) của hộ ông H.V. Quang (64 tuổi, xã Trà Leng - Nam Trà My) chỉ mới khai thác lứa đầu, nhưng giá cả quá thấp, ăn xong lứa này, ông Quang sẽ biến vườn quế thành vườn tràm.

Nhiều nông hộ vùng Trà My cũng đã tự phá bỏ một diện tích quế rộng lớn, chuyển sang trồng các loại cây khác như keo lá tràm, sắn... hoặc nếu có giữ lại số ít thì cũng chỉ nhằm giữ đất. "Phải đợi 5-7 năm, cây quế mới cho thu hoạch cành nhánh lần đầu, 10-12 năm mới cho thu hoạch thân. Cứ đà này, nếu không có định hướng kịp thời thì đến lúc nào đó, cây quế sẽ vắng bóng trên mảnh đất Trà My" -  ông Quang chia sẻ.

Cơ hội hồi sinh

Vào tháng 10/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẩn địa lý “Trà My” đối với sản phẩm quế Trà My (Quảng Nam). Đây là một tín hiệu đáng mừng với người trồng quế.

Các nhà khoa học đã xác định, cây quế Trà My có tên khoa học là Cinnam omum obtusi folium Nees. Qua khảo sát, lượng tinh dầu có trong vỏ, thân và cành quế Trà My cao gấp nhiều lần so với các giống quế khác như: Trà Bồng (Quảng Ngãi), Tiên Phước (Quảng Nam), Văn Yên (Yên Bái)... Thời gian tới, sở sẽ từng bước đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm quế Trà My với Cục SHTT. Đồng thời, đề xuất thành lập tổ chức tập thể dưới hình thức hiệp hội, chẳng hạn Hiệp hội Sản xuất kinh doanh quế Trà My” - ông Phạm Viết Tích - Phó giám đốc Sở KH-CN Quảng Nam nói.

Tại cuộc họp mới đây ở Bắc Trà My, ông Nguyễn Văn Quân - Giám đốc Công ty Quế Quảng Nam thông tin: Nếu từ những năm 1986, giá 1kg quế Trà My xuất khẩu ra thị trường có giá thành 3,5 USD (gần 80 nghìn đồng), thì nay, giá 1kg quế chỉ ở tầm 1,5 USD (gần 30 nghìn đồng). Người nông dân chẳng còn mặn mà với cây quế, khiến nguồn nguyên liệu bị cạn kiệt. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước e ngại khi đầu tư thu mua quế tại Quảng Nam vì vùng nguyên liệu không đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị, nhà nước cần quy định giá sàn tối thiểu trên 1kg quế xuất nhằm chống tình trạng tư thương, doanh nghiệp ép giá nhà nông, bán phá giá quế xuất khẩu.

Trước rủi ro mà nông dân Bắc Trà My và Nam Trà My đối diện, các cấp ngành tại Quảng Nam vẫn chưa đưa ra giải pháp cụ thể để bảo tồn được nguồn gene quý, khôi phục lại diện tích giống quế gốc, nhằm “trả lại" thương hiệu, giá trị vốn có cho quế Trà My. Đồng thời, chính sách phát triển, nhân rộng vùng trồng quế nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất công nghiệp vẫn còn trên... đề xuất. Việc công bố CDĐL "Trà My" cho sản phẩm quế Trà My là động thái tích cực, nhưng nếu việc bảo tồn, xây dựng thương hiệu cho cây quế không chỉ dừng lại ở lời hô hào chung chung, mà có đề án cụ thể, vạch rõ phương án, hướng đi kèm chính sách hỗ trợ thoát nghèo bền vững cho nhà nông, thì cơ hội cây quế sẽ xanh lại giữa cao sơn Trà My là khá lớn.

Theo khảo sát của Sở KH-CN Quảng Nam, diện tích quế còn lại tập trung tại huyện Bắc Trà My chỉ khoảng trên 1.000 ha với số lượng 2,4 triệu cây; Nam Trà My khoảng 1.500 ha, số lượng gần 3 triệu cây. Quế được trồng ở hầu hết các xã, thị trấn của vùng Trà My, nhưng chất lượng tốt nhất thì chỉ có ở Trà Giác, Trà Giáp (Bắc Trà My) và Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My).

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài