SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xác định nhu cầu canxi của ốc bươu đồng (Pila polita Deshayes, 1830) giai đoạn giống

[26/04/2024 13:42]

Canxi được xem là một trong những yếu tố quan trọng có liên quan đến pH, độ kiềm và độ cứng, từ đó có ảnh hưởng rất lớn đến sự phân bố của nhiều loài động vật thân mềm thuộc lớp Chân bụng, các loài này cần canxi cho sự tồn tại và phát triển, sự tăng trưởng ở ốc giống, ốc trưởng thành và khả năng sinh sản của ốc mẹ giảm khi các loài ốc Physa gyrina, Physa acuta, Lymnaea stagnalis sống ở những vùng có hàm lượng canxi < 5 mg/L, các loài Chân bụng nước ngọt có thể hấp thụ canxi từ thức ăn hay trực tiếp từ nguồn nước.

Ảnh minh họa

Mặt khác, tăng trưởng và tỉ lệ sống của các loài thuộc lớp Chân bụng bị ảnh hưởng khi hàm lượng canxi hay nguồn gốc canxi khác nhau. Việc hấp thu canxi ở trong môi trường có hàm lượng canxi cao sẽ ảnh hưởng đến cân bằng các dưỡng chất trong huyết tương của ốc Lymnaea stagnalis, vận chuyển thụ động canxi có thể xảy ra khi hàm lượng canxi trên 20mg/L, trong khi hàm lượng canxi 15mg/L trong môi trường thì ốc Lymnaea stagnalis có thể hấp thu trên 50% canxi.

Trong môi trường có hàm lượng canxi cao thì động vật thân mềm Chân bụng sẽ có xu hướng phát triển vỏ dày hơn so với khi sống trong môi trường có hàm lượng canxi thấp hơn. Ốc Archachatina marginata có nhu cầu cao về canxi (6 - 8%) để sinh trưởng khối lượng, phát triển chiều dài và sử dụng thức ăn tốt hơn. Trong khi đó, đối với động vật thân mềm nước mặn không đòi hỏi mức độ canxi cao, chẳng hạn bào ngư Haliotis laevigata chỉ cần 0,05%, CaCO3 là thành phần chính cấu tạo vỏ của động vật thân mềm và là thành phần chính xây dựng 97% khối lượng vỏ, bên cạnh đó một lượng nhỏ các thành phần khác: photpho, kẽm, natri, kali, đồng và magie tham gia vào quá trình hình thành vỏ.

Canxi còn được tìm thấy trong tuyến tiêu hóa, tế bào mô liên kết, mô chân và xung quanh các mạch máu, hầu hết canxi được hấp thu vào dạ dày thông qua biểu mô ruột. Canxi có một vai trò không thể thiếu trong các chức năng của tế bào, một chất đệm để duy trì độ pH tối ưu trong dịch cơ thể. Lớp Chân bụng cần một lượng lớn canxi cung cấp cho quá trình sinh sản, cụ thể ốc Deroceras reticulatum cần 20% tổng lượng canxi trong cơ thể cung cấp cho mỗi lần rụng trứng, để đảm bảo đủ canxi cho con non sau khi được sinh ra và phần lớn hấp thu từ gan tụy, vỏ của ốc mẹ.

Ngoài ra, đã quan sát và ghi nhận vỏ ốc cứng chắc, dày phụ thuộc rất lớn vào hàm lượng canxi; bên cạnh đó, canxi còn có chức năng như dung dịch đệm tham gia vào quá trình trao đổi chất, sản xuất các tế bào, thành phần canxi chiếm 30% tổng khối lượng cơ thể các loài động vật thân mềm thuộc lớp Chân bụng. Vì vậy, việc xác định nhu cầu canxi thích hợp cho sự tăng trưởng của ốc bươu đồng là vấn đề cấp thiết, nhằm phục vụ việc ương giống ốc bươu đồng đạt hiệu quả cao hơn.

1. Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được bố trí trong bể composite có kích thước 80 × 60 × 50 cm cm, được vệ sinh sạch trước khi sử dụng. Chiều cao cột nước trong bể ương được duy trì ở mức 20 cm, sàng ăn với kích thước 15 × 20 cm, bố trí 2 sàng/bể và đặt chìm dưới nước, cách mặt nước 10 - 15 cm; giá thể nylon được bố trí 2 chùm/bể. Ốc bươu đồng được ương với mật độ 150 con/bể (tương đương 300 con/m2). Thí nghiệm được bố trí 6 nghiệm thức, với 6 hàm lượng canxi khác nhau, cụ thể như sau: 1) 1% canxi (Ca1); 2) 3% canxi (Ca3); 3) 5% canxi (Ca5); 4) 7% canxi (Ca7); 5) 9% canxi (Ca9) và 6) 11% canxi (Ca11) và mỗi nghiệm thức với 3 lần lặp lại; thực hiện trong thời gian 56 ngày.

Thức ăn sử dụng trong thí nghiệm là thức ăn tự phối chế với thành phần dinh dưỡng tương ứng từng nghiệm thức. Thức ăn thí nghiệm được phối chế thành dạng viên từ các nguyên liệu như: Bột cá, bột đậu nành (hấp chín), bột khoai mì, dầu nành, vitamine, khoáng, chất kết dính (Carboxylmethyl Cellulose), sau khi bột đậu nành hấp chín để nguội trộn vào nguyên liệu khô cùng với dầu nành và lượng nước vừa đủ (trộn ướt), ép thành viên (kích cỡ 1 mm). Sấy khô ở nhiệt độ 600C, sau đó viên thức ăn được xay nhuyễn và bảo quản trong ngăn đông của tủ lạnh để cho ốc ăn hàng ngày.

Ốc được cho ăn 2 lần/ngày (buổi sáng: 7 giờ; buổi chiều: 17 giờ). Khẩu phần ăn tính trên khối lượng ốc bươu đồng giống và lượng thức ăn được điều chỉnh hàng tuần theo tăng trọng khối lượng của ốc, cụ thể: Cho ốc ăn ở mức 7% trong 21 ngày đầu, giảm xuống còn 6% từ ngày thứ 22 đến 35 và giảm xuống còn 5% - 5,5% từ ngày 36 đến khi kết thúc thí nghiệm). Trong suốt quá trình ương, hàng này xi phông loại bỏ thức ăn dư thừa và sản phẩm thải của ốc bươu đồng giai đoạn giống và sau mỗi 7 ngày nước trong bể ương được thay 30 - 40%.

2. Các chỉ tiêu theo dõi

2.1. Các yếu tố môi trường: Nhiệt độ được đo hàng ngày (buổi sáng: 7 giờ; buổi chiều: 14 giờ) bằng nhiệt kế; định kỳ 7 ngày/lần đo độ kiềm, pH và được xác định bằng bộ test SERA-Germany.

2.2. Chỉ tiêu sinh học: Định kỳ 7 ngày/lần đếm số lượng ốc còn sống trong bể để xác định tỉ lệ sống, đo chiều cao và cân khối lượng 40 con/bể của từng bể để đánh giá.

2.3. Phương pháp xử lý số liệu

Sử dụng phần mềm Excel 2019 để tính các giá trị trung bình, độ lệch chuẩn các số liệu thu thập được. Phân tích ANOVA một nhân tố trong phần mềm SPSS 22.0 được sử dụng để so sánh thống kê các giá trị trung bình giữa các nghiệm thức ở mức p<0,05 bằng phép thử Duncan. Các số liệu có đơn vị phần trăm (%) được chuyển đổi arsin trước khi xử lý thống kê. Nhu cầu canxi của ốc bươu đồng được xác định dựa vào phương pháp đường cong hồi quy bậc hai Y = ax2 + bx + c

3. Kết luận

Sinh trưởng về khối lượng, chiều cao của ốc bươu đồng đạt cao nhất (1,95 g; 19,1 mm) khi sử dụng khẩu phần bổ sung hàm lượng canxi 7% và có sự sai khác thống kê so với các nghiệm thức còn lại (p<0,05), ngoài trừ nghiệm thức Ca5 (p>0,05). Nhu cầu canxi bổ sung vào khẩu phần ăn của ốc bươu đồng ở giai đoạn giống trong khoảng 6,34% - 6,68%.

Hiệu quả sử dụng canxi (CaER) của ốc bươu đồng giai đoạn giống có xu hướng giảm dần khi tăng dần hàm lượng canxi trong khẩu phần thức ăn. Lượng ăn vào của một cá thể ốc bươu đồng giống ở nghiệm thức Ca1 thấp nhất và khác biệt ý nghĩa (p<0,05) so với các hàm lượng canxi còn lại.

Sau 56 ngày ương, tỉ lệ sống của ốc đạt dao đồng từ 82,7% - 90,4%. Cao nhất ở nghiệm thức Ca3 (90,4%) và khác biệt (p<0,05) so với Ca11 (82,7%), tuy nhiên không có sự khác biệt (p>0,05) so với các nghiệm thức còn lại. Ứng dụng kết quả nghiên cứu này trong việc bổ sung hàm lượng canxi phù hợp vào khẩu phần ăn của ốc nhằm tăng tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, và hiệu quả sử dụng thức ăn của ốc bươu đồng giai đoạn giống.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 8, số 1, năm 2024
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài