SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột trên chó và sự tiềm ẩn nguy cơ truyền lây của chúng sang người

[28/09/2021 15:37]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Hoàng Yến, Trần Hải Thanh, Nguyễn Văn Phương, Đồng Thế Anh (Bộ môn Ký sinh trùng, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Phạm Thị Tới (Trung tâm chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật, Chi cục Thú y vùng 6) thực hiện.

Ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là giun đũa Toxocara canis, giun móc Ancylostoma spp., giun tóc và một số đơn bào như Giardia sp., cầu trùng Cystoisospora spp. là các loại mầm bệnh ký sinh phổ biến ở chó. Chó bị nhiễm bệnh thường có biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy, thiếu máu, chán ăn. Trong số đó, nhiều loại mầm bệnh từ chó có thể truyền lây sang người. Phần lớn các giun sán truyền từ chó sang người thường ký sinh dưới dạng ấu trùng. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh mà chúng gây ra các đặc điểm bệnh lý khác nhau. Ví dụ ấu trùng của giun móc Ancylostoma spp. xâm nhập và di hành dưới da hoặc có thể phát triển thành giun trưởng thành ở người. Ấu trùng giun đũa chó T. canis có thể di hành đến các cơ quan nội tạng như gan, phổi (visceral larva migrans) hoặc di hành đến mắt (ocular larva migrans). Đây là các tác nhân gây bệnh thuộc nhóm bệnh lý có tên gọi là Hội chứng ấu trùng di hành ở người (larva migrans syndrome). Người bị nhiễm bệnh chủ yếu do tiếp xúc với đất có chứa trứng hoặc ấu trùng giun sán hoặc do tiếp xúc với chó.

Hình minh họa (Nguồn: internet)

Một số nghiên cứu về ký sinh trùng đường tiêu hóa trên chó ở Việt Nam chỉ ra rằng chó nhiễm giun móc từ 43,85% - 69,49%; giun đũa từ 10% - 38,3%. Ngoài ra, chó còn nhiễm giun tóc (3,28% - 5%), sán dây Dipylidium sp., Spirometra sp.; đơn bào Giardia duodenalis. Mặc dù các nghiên cứu này đã cung cấp thông tin về thực trạng nhiễm ký sinh trùng trên chó, nhưng chúng được tiến hành trong một phạm vi địa lý hẹp và chỉ tập trung vào một hoặc một số đối tượng nhất định. Ngoài ra, các nghiên cứu đó chưa đánh giá được sự đồng nhiễm các loại mầm bệnh ký sinh trùng ở chó. Vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành để đánh giá thực trạng và sự đồng nhiễm ký sinh trùng đường ruột trên chó tại một số địa điểm thuộc phía Bắc Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu sẽ cung cấp các thông tin hữu ích cho việc xây dựng chiến lược phòng và chống hiệu quả các bệnh ký sinh trùng, đặc biệt là các bệnh do giun sán nhằm bảo vệ sức khỏe cho chó và người.

370 mẫu phân chó đã được thu thập và xét nghiệm bằng phương pháp tập trung trứng formol-ether và phù nổi (sử dụng dung dịch đường). Kết quả nghiên cứu cho thấy 77,54% số mẫu cho kết quả dương tính với ký sinh trùng. Nghiên cứu đã xác định được 1 loài sán lá, 4 loài sán dây, 5 loài giun tròn và cầu trùng Cystoisospora spp. Trong đó, chó bị nhiễm nhiều nhất là giun móc (66,52%) và giun đũa Toxocara canis (34,59%); tiếp đến là giun tóc  Capollaria spp. và Trichuris vulpis, 14,05%) và sán dây Diphyllobothirum latum (6,23%). Chó có thể bị đồng nhiễm với 2 loại mầm bệnh (24,05%), 3 loại mầm bệnh (3,78%) và 4 loại mầm bệnh (1,08%). Trong đó tỷ lệ đồng nhiễm giữa giun móc và giun đũa là cao nhất (18,38%). Kết quả của nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phòng chống các bệnh ký sinh trùng trên chó nhằm bảo vệ sức khỏe cho chó và người.

ctngoc

Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, số 8 năm 2020
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài