SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của sự gia tăng độ mặn lên mật độ vi khuẩn trong mô hình mô phỏng xâm nhập mặn

[05/10/2021 16:14]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Hùng Hải, Vũ Ngọc Út của Bộ môn Thủy sinh học ứng dụng và Nguyễn Thanh Phương của Bộ môn Thủy sinh học ứng dụng, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: Internet

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi thời vụ canh tác và cơ cấu nuôi trồng của người dân đây là nguyên nhân làm suy giảm năng suất và chất lượng nuôi trồng, thay đổi cấu trúc hệ sinh thái thủy sinh, thành phần vi sinh vật bị biến động. Độ mặn là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm ảnh hưởng đến sự phân bố và phát triển của thủy sinh vật, đặc biệt là động vật thủy sản. Đồng thời, biến đổi khí hậu và nhiệt độ nóng dần lên làm gia tăng độ mặn, đây là điều kiện thuận lợi cho Vibrio spp. phát triển (Nguyễn Thị Hiền và ctv., 2009). Các loài vi khuẩn gây bệnh như V. parahaemolyticus, V. harveyi, V. cambellii gây bệnh phát sáng, bệnh hoại tử gan tụy cấp trong nuôi tôm dẫn đến tỷ lệ tôm chết từ 50 – 100% (Shruti, 2012). Thời tiết nắng nóng, mực nước đầm tôm nuôi thấp, môi trường không ổn định kết hợp với độ mặn cao đã làm cho tôm bị sốc và chết. Qua khảo sát, hiện tượng mưa lớn, nhiệt độ cao, độ mặn gia tăng cũng làm thay đổi cấu trúc hệ sinh thái thủy sinh, tác động trực tiếp đến tăng trưởng của tôm nuôi ven biển, thậm chí gây ra các dịch bệnh trên các giống nuôi trồng, ảnh hưởng đến thu nhập và sinh kế của nhiều hộ nông dân trong vùng. Báo cáo đánh giá của FAO (2017) về những tác động của biến đổi khí hậu là những trở ngại quan trọng đối với sự bền vững của nghề cá và nuôi trồng thủy sản. Để hạn chế các tác động đó thì việc nghiên cứu về vi sinh vật có khả năng gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết. Việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản ở các vùng nước lợ với độ mặn khác nhau sẽ là vấn đề quan trọng để đáp ứng kịp thời và hiệu quả với diễn biến của các hiện tượng trên. Trước sự xuất hiện bệnh dịch ngày càng nhiều, hệ sinh thái thủy sản bị biến đổi, hệ vi sinh cũng biến động vì thế việc khảo sát sự biến động vi sinh theo sự biến đổi độ mặn là hết sức cần thiết và từ đó đề tài “ảnh hưởng của sự thay đổi độ mặn lên mật độ vi khuẩn trong mô hình mô phỏng xâm nhập mặn” được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn lên sự biến động mật độ của một số nhóm vi khuẩn trong bùn có thể cung cấp thêm thông tin cho các nghiên cứu tiếp theo cũng như cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở những vùng ảnh hưởng bởi độ mặn tăng.

Nghiên cứu được tiến hành gồm có 5 nghiệm thức với các độ mặn khác nhau 0, 10, 20, 30‰ được pha từ nước ót và nước biển tự nhiên 32‰ (B32‰). Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần và được theo dõi trong 50 ngày. Các chỉ tiêu vi khuẩn trong bùn như tổng vi khuẩn dị dưỡng, Bacillus spp., Lactobacillus spp., tổng Vibrio spp., Vibrio parahaemolyticus được đánh giá mỗi 2 tuần ngoại trừ lần thu mẫu đầu tiên. Kết quả cho thấy mật độ vi khuẩn tổng càng giảm khi độ mặn càng cao. Mật độ tổng khuẩn cao nhất ở nghiệm thức 0‰ (6,2 LogCFU/g) và thấp nhất ở nghiệm thức nước biển tự nhiên 32‰ (5,7 LogCFU/g). Mật độ vi khuẩn Bacillus spp. giảm khi độ mặn cao, chúng đạt giá trị cao nhất ở độ mặn 10‰, và 0‰. Bên cạnh đó, mật độ vi khuẩn Lactobacillus spp. cao nhất ở nghiệm thức 10‰ (3,05 LogCFU/g), có sự khác biệt các nghiệm thức (p<0,05). Mật độ vi khuẩn Vibrio spp. và V. parahaemolyticus biến động đáng kể giữa các độ mặn. Kết quả cho thấy mật độ vi khuẩn Vibrio và V. parahaemolyticus ở nghiệm thức độ mặn 20‰ và 30‰ cao hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại (p<0,05).

ntdien

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 5B (2020): 184-192
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài