SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hướng dẫn kỹ thuật nhân nuôi kiến vàng trong vườn cây ăn trái

[14/06/2023 16:59]

Nuôi kiến vàng trong vườn cây ăn trái là một biện pháp sinh học có hiệu quả cao, ít tốn kém và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhờ công dụng của kiến vàng trong việc phòng trừ các loại sâu hại trên cây ăn trái mà đem lại hiệu quả cao trong canh tác cho nông dân và hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Kiến vàng là một loại thiên địch giúp nông dân tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ cây trồng mà không cần sử dụng thuốc hóa học. Vì thế, việc nuôi kiến vàng trên vườn cây ăn trái để hạn chế sự gây hại của một số sâu hại chính là rất cần thiết.

1. Tập tính và đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài kiến

a. Đặc điểm sinh học:

Vòng đời: Kiến có vòng đời “biến thái hoàn toàn” và phải trải qua các giai đoạn như trứng -> ấu trùng -> cá thể nhộng -> Kiến trưởng thành.

Trứng kiến nếu được thụ tinh từ kiến đực thì khi nở ra sẽ là kiến cái, không được thụ tinh thì sẽ là kiến đực.

Ở giai đoạn ấu trùng, kiến hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các con kiến khác trong tổ.

Kiến trưởng thành: Có 3 dạng cá thể kiến thợ (nhỏ và lớn), kiến đực và kiến chúa. Kiến thợ là con cái với cơ quan sinh sản phát triển chưa đầy đủ.

b. Tập tính và đặc điểm sinh thái

Tổ kiến là nơi trú ẩn của hàng triệu cá thể kiến.

Kiến đực chỉ tuổi thọ ngắn nhất khoảng vài tuần, làm nhiệm vụ giao phối với kiến chúa để duy trì nòi giống.

Kiến chúa thường chỉ có 1 con cho một tổ kiến. Nhiệm vụ duy nhất của kiến chúa là sinh sản. Khi trong tổ có nhiều kiến chúa, việc một kiến chúa tách tổ sẽ đem theo một lượng kiến thợ trung thành đến một nơi ở thích hợp mới và xây dựng một đế chế mới.

Kiến thợ lớn quản lý cùng nhau và đảm nhận việc xây tổ; trong khi đó thì việc quản lý những ấu trùng và di chuyển chúng qua lại được đảm nhận bởi những kiến thợ nhỏ.

2. Cách nuôi thả kiến vàng trong vườn

Nên thu thập các ổ kiến lá còn xanh, có độ to trung bình từ 20 cm trở lên, cấu tạo bởi 2 lớp lá, vì thường các tổ này dễ có kiến chúa hơn.

Kiến hôi diệt kiến vàng nên phải diệt kiến hôi trước khi thả kiến vàng. kiến vàng mới và kiến vàng có sẵn trên cây cũng xung khắc nhau, chúng sát hại lẫn nhau và trong lúc "chiến đấu" chúng tiết ra chất acid formic làm cho cành cây bị rám vỏ sau đó khô đi và bị chết; nên phải diệt chúng trước khi thả kiến mới. Nếu không diệt được hết kiến cũ thì phải thả kiến mới từ trên xuống để kiến mới xua đuổi kiến cũ xuống dưới gốc cây.

Để tránh kiến đánh diệt lẫn nhau, khi thu thập tổ kiến, nên thu thập các tổ cùng một cây và để vào cùng một túi để các tổ kiến này cùng một nhóm. Kiến chúa, kiến đực và kiến thợ đều có mật số cao nhất từ tháng 7 đến tháng 10, đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để thu thập tổ kiến thả vào vườn mới. Thả ít nhất 2 tổ đặt vào các chạc ba, chạc tư của cây. Cần phải cho kiến vàng ăn thêm bằng cách treo ruột gà, vịt, đầu cá... lên cây, nhất là trong mùa khô thiếu vì thiếu thức ăn kiến sẽ bỏ đi. Tuy nhiên, chỉ vài ba tháng mới cho ăn một lần vì nếu cho ăn nhiều, kiến sẽ không di chuyển và săn mồi.

Để kiến có điều kiện phát triển và phân bố đều trong vườn, cần tạo điều kiện cho kiến di chuyển từ cây này sang cây khác bằng cách giăng dây tạo đường di chuyển từ cây này sang cây kia. Kiến vàng sinh sống được trên tất cả các loại vườn: độc canh, xen canh và vườn tạp. Nhưng chúng rất mẫn cảm với thuốc trừ sâu, vì thế nên hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học. Khi bắt buộc phải sử dụng nên dùng dầu khoáng phun vào buổi chiều (khi kiến ít hoạt động và đã tập trung về tổ) hoặc lúc sáng sớm. Tránh phun trực tiếp lên tổ. Để việc sử dụng kiến vàng có hiệu quả, cần chú ý mật độ kiến phải đủ, phân bố đều trong vườn và ổn định quanh năm.

Nuôi kiến vàng trên các vườn cây có múi là một biện pháp sinh học có hiệu quả cao, ít tốn kém, không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Bản tin khuyến nông Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài