SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu kiến thức và thực hành tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi của các bà mẹ có con từ 12-24 tháng tuội tại Huyện Thới Bình, Tỉnh Cà Mau năm 2022 -2023

[23/04/2024 16:32]

Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ dưới 1 tuổi và kiến thức, thực hành đúng về tiêm chủng mở rộng của các bà mẹ tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau năm 2022-2023. Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi và kiến thức, thực hành của người mẹ tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau năm 2022-2023.

Tại Việt Nam sau hơn 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã giúp khoảng 6,7 triệu trẻ em không mắc các bệnh truyền nhiễm (uốn ván sơ sinh, bạch hầu, ho gà, sởi, bại liệt) và giảm được 42.900 ca tử vong do các bệnh nêu trên. Bằng chứng khoa học và kinh nghiệm thực tế trên Thế giới và ở Việt Nam cho thấy các vắc xin đang được sử dụng là rất an toàn và hiệu quả cao [2]. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình diễn ra thường xuyên, một số bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng có chiều hướng xuất hiện trở lại với số mắc và tử vong khá cao, nổi bậc trong 5 năm qua (2018-2022) bệnh Bạch hầu đã mắc 311 ca, tử vong 14 ca; bệnh Ho gà mắc 1.935 ca, tử vong 06 ca. Đây là những bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng và hoàn toàn có thể dự phòng được bằng vắc xin. Từ những phân tích trên cho thấy, việc không đưa trẻ đi tiêm chủng sẽ dẫn đến dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, hậu quả trẻ có thể bị tàn phế, thậm chí tử vong. Nếu dừng tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ làm dịch bùng phát. Theo báo cáo công tác tiêm chủng mở rộng năm 2022 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cả nước là 87,6%, miền Bắc 92,5%, miền Trung 93,9%, Tây Nguyên 83,6%, miền Nam 79,5%, Cà Mau 49,3%. Huyện Thới Bình có dân số năm 2019 là 135.892 người chiếm 11,4% toàn tỉnh, sinh mới hơn 2.000 trẻ/năm, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ những năm gần đây khá thấp, cụ thể: năm 2020 (83,9%), năm 2021 (94,8%), năm 2022 (43,3%) [3]. Trước đây, huyện đã có 01 nghiên cứu về tiêm chủng thực hiện năm 2009 nhưng nghiên cứu này đã quá lâu (>10 năm). Do đó, nghiên cứu của chúng tôi mặc dù lặp lại nhưng vẫn có tính giá trị thực tiễn và rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp bằng chứng và cơ sở để đề xuất các giải pháp phù hợp góp phần cải thiện công tác tiêm chủng trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 495 bà mẹ có con từ 12-24 tháng tuổi tại huyện Thới Bình và con của các bà mẹ này theo phương pháp chọn mẫu cụm, thực hiện qua 02 giai đoạn: đầu tiên chọn 05/12 xã, sau đó mỗi xã chọn ngẫu nhiên 99 trẻ và mẹ của trẻ để thu thập thông tin.

Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 81,4%; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đúng lịch 42,7%; tỷ lệ bà mẹ có kiến thức chung đúng về tiêm chủng là 64,8%; thực hành chung đúng về tiêm chủng là 61,6%. Các yếu tố liên quan đến tiêm chủng đầy đủ của trẻ và kiến thức, thực hành của mẹ là học vấn, nghề nghiệp, kinh tế gia đình và lợi ích của tiêm chủng đầy đủ (p≤0,05).

Qua nghiên cứu 495 bà mẹ và trẻ tại huyện Thới Bình cho thấy trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ là 81,4%, đầy đủ đúng lịch là 42,7%, kiến thức chung đúng của bà mẹ là 64,8% và thực hành chung đúng là 61,6%. Các yếu tố liên quan đến tiêm chủng đầy đủ: học vấn, nghề nghiệp, kinh tế gia đình, mục đích của tiêm vắc xin, lợi ích tiêm chủng đầy đủ; liên quan đến kiến thức: học vấn, nghề nghiệp, kênh truyền thông; liên quan đến thực hành: kiến thức và truyền thông. Để nâng cao các tỷ lệ trên, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về chương trình tiêm chủng, tầm quan trọng của tiêm đầy đủ, đúng lịch, mục đích của việc tiêm vắc xin, các bệnh trẻ được tiêm phòng và thời gian cần theo dõi tại nhà sau tiêm,... chú trọng đến đối tượng có học vấn dưới trung học cơ sở thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh, đặc biệt là từ tivi và y tế để người dân dễ dàng tiếp cận.

Tạp chí y dược học Cần Thơ, Số 692023
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài