SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quy trình quản lý tổng hợp bệnh thối rụng quả do bệnh thán thư và thối nâu trên cây cam

[14/06/2023 17:01]

Các loại cây ăn quả có múi như: cam, chanh, bưởi, quýt,... là những loại cây ăn quả thuộc vùng Á nhiệt đới, phù hợp với vùng khí hậu và thổ nhưỡng nước ta, cây cho năng suất cao, giá trị kinh tế lớn nên được trồng rất nhiều. Tuy vậy đây cũng là những loại cây thường bị nhiều loại sâu bệnh hại tấn công, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân.

Để có thể nhanh chóng phát hiện và kịp thời phòng trị các loại sâu bệnh hại trên cây cam, quýt, bưởi và các loại cây ăn quả có múi khác, bà con nông dân cần tìm hiểu và nhận biết được các loại sâu hại, triệu chứng bệnh của cây.

Dưới đây là quy trình quản lý tổng hợp bệnh thối rụng quả do bệnh thán thư và thối nâu gây ra trên cam.

1. Bệnh thán thư do nấm C. gloeosporioides

a. Triệu chứng bệnh:

- Trên lá: Bệnh có thể gây hại ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng bệnh thường gây hại ở chóp lá và mép lá. Vết bệnh có màu vàng nâu, hình hơi tròn, sau đó vết bệnh lớn dần, xung quanh có viền nâu đậm, giữa vết bệnh màu vàng nhạt, vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm và trên bề mặt vết bệnh có những chấm đen nhỏ li ti, đó là các ổ nấm và làm cho vòng đồng tâm có màu đậm hơn. Nhiều vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy thành mảng lớn, rụng sớm, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

- Trên hoa: Bệnh tạo thành các đốm bệnh có màu nâu cam trên cánh hoa, làm rụng hoa để lại cuống, đài hoa.

- Trên quả: Bệnh xuất hiện những đốm nhỏ tròn, màu vàng nhạt trên vỏ quả, vết bệnh hơi lõm vào vỏ. Vết bệnh trên vỏ bị khô sần sùi, bệnh càng nặng, vết bệnh càng lan rộng. Khi quả bị nứt do bệnh thán thư th. ngay vết bệnh có nhựa chảy ra (điều kiện ẩm độ cao). Lá và quả thường bị rụng, cành bị khô.

b. Tác nhân gây bệnh: Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra.

c. Đặc điểm gây hại và phương thức lây lan:

Bệnh thán thư phát triển và gây hại nhiều trong mùa mưa. Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư thực vật từ mẫu bệnh. Các quả nằm khuất trong tán cây thường bị bệnh nặng hơn.

Nấm không những ký sinh trên mô sống mà còn có thể sống hoại sinh trên những mô cây chết hoặc bên dưới tán cây có múi, được xem như là vi sinh vật xâm chiếm thứ cấp.

Bào tử nấm gây bệnh lây lan chủ yếu qua nước mưa, bộ phận cây bị nhiễm bệnh, hom giống, qua gió, nguồn nước tưới ô nhiễm và qua dụng cụ cắt tỉa.

2. Bệnh thối nâu do nấm Phytophthora spp.

a. Triệu chứng bệnh:

Triệu chứng đầu tiên xuất hiện là sự biến đổi màu nhẹ của vỏ sang màu nâu nhạt. Tổn thương vỏ giống như bị úng nước, nhưng nhanh chóng chuyển sang mềm dần và có một màu nâu oliu. Trên vỏ các vùng nấm trắng phát triển, có thể nhìn thấy được, nấm xuấthiện nhanh trên bề mặt quả trong điều kiện ẩm ướt. Sau một thời gian xâm nhiễm và gây bệnh, quả bị mềm và rụng.

b. Tác nhân gây bệnh:

Phytophthora citrophthora, Phytophthora nicotianae

c. Đặc điểm gây hại:

Phytophthora là một loài nấm đất, nấm thủy sinh nên khả năng lây lan bệnh rất nhanh và phụ thuộc vào độ ẩm cao, mưa. Nấm Phytophthora có thể nảy mầm xâm nhập trực tiếp qua lớp biểu bì còn nguyên vẹn của cây nhờ vũ khí cơ học (giác bám) và vũ khí hóa học (các enzym thủy phân). Vào mùa mưa ở các vườn trồng mật độ dầy, kém thoát nước, độ ẩm không khí cao thì nấm Phytophthora dễ tấn công và gây hại nặng.

3. Biện pháp quản lý bằng sử dụng sản phẩm nano

Kết quả thử nghiệm các sản phẩm nano bạc, đồng, kẽm và nano hợp kim bạc đồng từ trong phòng thí nghiệm đến các thí nghiệm đồng ruộng đã chứng minh được sản phẩm nano hợp

kim bạc đồng cho hiệu quả phòng trừ bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides) và thối nâu (Phytophthora spp.) cho hiệu quả đạt cao nhất. Do đó quy trình hướng dẫn sử dụng sản phẩm nano hợp kim bạc đồng để phòng trừ bệnh thán thư và đốm nâu gây thối rụng quả cam trước thu hoạch được sử dụng chế phẩm này và quy trình sử dụng như sau:

Liều lượng: 0,2 – 0,25%. Cách dùng: pha 50 – 75 ml/bình 25 lít hoặc 400 – 500 ml/200 lít, phun ướt đều cây.

Thời điểm: Phun 3 đợt, mỗi đợt 2 lần cách nhau 15 ngày. Đợt 1: vào thời điểm đậu quả ổn định (tháng 3 - 4); Đợt 2: vào mùa mưa (tháng 6 - 7); Đợt 3: vào giai đoạn quả chuyển sang chín (tháng 9 - 10); Thời gian cách ly 3 - 5 ngày.

4. Các biện pháp khác

a. Biện pháp giống: Sử dụng cây giống sạch bệnh được sản xuất từ cây mẹ S0, cây đầu dòng sạch bệnh trong hệ thống nhà lưới 3 cấp tại các cơ sở có uy tín, cây sinh trưởng và phát triển tốt.

b. Biện pháp canh tác:

- Vệ sinh đồng ruộng: Thường xuyên thăm vườn, làm cỏ, cắt bỏ cành, quả sâu bệnh, tàn dư cây bệnh, thu gom và tiêu hủy. Quét vôi toàn bộ gốc và thân cây 2 lần/ năm, quét cao 1 - 1,2 m.

- Hệ thống tưới và thoát nước: Vườn trồng phải có hệ thống tiêu thoát nước nhanh khi có mưa to, mực nước mương nên cách líp ít nhất từ 40 - 50 cm, xẻ r.nh thoát nước tốt nhằm tránh ngập úng cục bộ đối với những vùng có địa hình không bằng phẳng. Đối với những vườn trồng mới, cần chú ý đến yêu cầu kỹ thuật trong việc thiết kế vườn trồng để đảm bảo sự bền vững của vườn về lâu dài.

- Cắt tỉa:

Cắt tỉa sau thu hoạch: Cắt bỏ đoạn cành đã cho quả, cành vượt, cành trong tán, cành sâu bệnh, cành la sát đất ...

Cắt tỉa vụ xuân: Sau đậu quả ổn định (tháng 2 - tháng 3 dương lịch), tỉa nhẹ các cành vượt, cành sâu bệnh, cành mọc trong tán, những chùm quả quá nhiều, quả dị hình cong vẹo.

Cắt tỉa vụ hè: Tháng 5 - 6, tỉa bỏ lộc hè mọc quá dày và yếu, lộc trong tán, cành sâu bệnh, cành vượt, quả nhỏ, dị hình và tỉa thưa chùm quả dày.

- Bón phân:

+ Thời điểm và liều lượng bón:

Lần 1 (sau khi thu hoạch tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau): Bón vôi + 100% phân hữu cơ + 100% lân + 1/3 đạm + 1/3 Kali.

Lần 2 (khi đậu quả ổn định, tháng 3 – tháng 4): 1/3 đạm + 1/3 Kali.

Lần 3 (Nuôi quả, tháng 7 – tháng 8 ): 30% đạm + 30% Kali

+ Cách bón:

Bón phân hữu cơ: Đào các rãnh hình vành khăn hoặc các hố xung quanh rìa tán cây, sâu và rộng 30 cm. Trộn đều phân với đất, lấp đất và tưới nước.

Bón phân vô cơ: Xới nhẹ đất, rải phân theo h.nh chiếu của tán sau đó tưới ẩm. Có thể sử dụng them phân bón qua lá và các sản phẩm phân bón vi lượng.

c. Biện pháp sinh học:

Sử dụng phân chuồng hoai mục ủ phối trộn cùng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma và nấm Metarhizium để xử lý đấ nhằm hạn chế nấm bệnh và sâu gây hại trong đất.

Bản tin khuyến nông Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài