SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát sinh trưởng và năng suất của hai giống so đũa (Sesbania grandiflora) làm thức ăn cho gia súc nhai lại

[13/07/2023 15:37]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Lâm Phước Thành, Mai Hoàn Tư, Dương Trần Tuyết Mai, Nguyễn Thị Thu Hà, Phạm Văn Trọng Tính và Trần Thị Thuý Hằng thuộc Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ và Bộ môn Kỹ thuật Nông nghiệp, Khoa Phát triển Nông thôn, Trườg Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí khoa học Trường đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 2A (2023): 60-68.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi gia súc nhai lại (GSNL) phát triển khá mạnh mẽ. Tính đến ngày 01/01/2021, cả nước có 6,3 triệu con bò, 2,33 triệu con trâu và 2,6 triệu con dê, trong đó đồng bằng sông Cửu Long có 910.442 con bò, 22.544 con trâu và 413.361 con dê (Tổng Cục thống kê, 2021). Sự gia tăng đàn GSNL đã đặt ra một số vấn đề về nguồn thức ăn với những tính năng sản xuất và dinh dưỡng cao. Để giải quyết vấn đề trên, người chăn nuôi đã không ngừng phát triển nhiều nguồn thức ăn mới có năng suất cao, cũng như tận dụng phụ phẩm nông nghiệp (thân cây bắp, lá mít, rơm, thân cây chuối, ngọn mía…) để chăn nuôi GSNL. Tuy nhiên, nguồn phụ phẩm nông nghiệp thường thiếu dưỡng chất nghiêm trọng, đặc biệt là đạm thô (Thu, 2010).

Hình ảnh minh họa

Cây so đũa được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Trong thực tế sản xuất, hiện nay người dân chủ yếu trồng giống so đũa Thái (bông trắng và bông đỏ) do khả năng phát triển rất nhanh, khả năng chống chịu hạn tốt và ra hoa quanh năm. Ngoài việc trồng lấy hoa cung cấp nguồn thực phẩm cho con người thì lá so đũa là nguồn thức ăn tuyệt vời và ưa thích của gia súc nhai lại, do có hàm lượng đạm thô lên đến 33,4% (Rekib et al., 1987; Ash, 1990; Gohl, 1993). Một số thí nghiệm đã được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của lá so đũa lên quá trình sinh trưởng và phát triển của gia súc, đặc biệt là chăn nuôi dê (Nhan, 1998). Ở Việt Nam, việc sử dụng lá so đũa để bổ sung nguồn thức ăn cho bò đã cho tốc độ tăng trưởng vượt trội (+ 20%) so với khi chỉ ăn khẩu phần cỏ mồm (Nhan et al., 2009). Mức độ sử dụng so đũa để có tốc độ tăng trưởng hoặc năng suất sữa tối ưu chiếm khoảng 30% khẩu phần thay thế cho rơm rạ hay cỏ voi (Mekoya et al., 2009; Manaye et al., 2009; Taye, 2009). Tuy nhiên, có rất ít các nghiên cứu trong nước về so sánh khả năng sinh trưởng và năng suất của từng giống so đũa, đặc biệt là so đũa Thái. Chính vì vậy, mục tiêu của đề tài là nhằm so sánh khả năng sinh trưởng và năng suất của cây so đũa bông đỏ và bông trắng. Từ đó, giống so đũa phù hợp được chọn ra để phát triển thành nguồn thức ăn cho GSNL.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về sinh trưởng và năng suất giữa so đũa bông trắng và so đũa bông đỏ. Chiều cao, đường kính tán và đường kính gốc so đũa bông trắng lớn hơn so đũa bông đỏ. Năng suất chất xanh và năng suất chất khô thì so đũa bông trắng cho kết quả cao hơn so đũa bông đỏ. Thành phần hóa học của 2 giống so đũa là tương đương nhau. Nên trồng cây so đũa bông trắng để bổ sung vào khẩu phần gia súc nhai lại.

Các nghiên cứu về hai giống so đũa ở giai đoạn sau thu hoạch lứa và nghiên cứu về bổ sung so đũa vào khẩu phần ăn của gia súc để đánh giá hiệu quả sử dụng so đũa lên tăng khối lượng thịt và sữa của gia súc nhai lại cần được nghiên cứu thêm.

Tạp chí khoa học Trường đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 2A (2023): 60-68
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài