SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

So sánh năng suất và hiệu quả tài chính của hai mô hình nuôi thu trứng và sinh khối Artemia ở độ mặn thấp

[13/07/2023 15:47]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Văn Hòa, Trần Nguyễn Hải Nam và Nguyễn Tiến Dũng thuộc Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ và Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí khoa học Trường đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 2B (2023): 165-172.

Artemia từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong các trại giống và là thức ăn không thể thay thế cho hầu hết ấu trùng tôm cá trong giai đoạn đầu, nhất là tôm cá nước lợ vì chúng là loại thức ăn tươi sống, có giá trị dinh dưỡng cao và có kích thước phù hợp (Sorgeloos, 1980; Léger et al., 1986) Năm 1984, Trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành thí nghiệm nuôi Artemia thu trứng bào xác ở vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bặc Liêu. Qua hơn 30 năm, nơi này đã trở thành hai vùng trọng điểm sản xuất trứng bào xác Artemia có chất lượng cao cho thị trường trong nước và thế giới (Brands et al., 1995; Hòa và ctv., 2007) và hàng năm vùng nuôi này có thể cung cấp 50 tấn trứng (tươi) nguyên liệu (Hòa & Vân, 2018).

Hình ảnh minh họa

Artemia có sinh cảnh sống đặc trưng là vùng nước mặn, chỉ được nuôi vào mùa khô (từ tháng 11 âm lịch đến tháng 5 âm lịch năm sau), có độ mặn cao như trên ruộng muối. Do đó, việc mở rộng vùng nuôi rất hạn chế. Ngoài trứng bào xác, nhu cầu về Artemia sinh khối cũng ngày càng tăng vì nhiều kích cỡ khác nhau, phù hợp cho nhiều cỡ miệng của các loài thủy sản. Theo Hòa và ctv. (2007), có hơn 85% loài thủy sản được ương nuôi sử dụng Artemia làm thức ăn trong giai đoạn sản xuất giống. Gần đây, sinh khối Artemia đã được chú ý nhiều trong các lĩnh vực như ương nuôi cá cảnh, các giống loài thuỷ hải sản như tôm sú, tôm càng xanh, cá chẽm, cá kèo, lươn đồng và một số loài cá nước ngọt khác (Vân và ctv., 2010; Anh, 2011). Vì vậy, nhu cầu sử dụng sinh khối Artemia trong các trại giống nội địa cũng tăng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và thực tế những năm gần đây mùa khô bị rút ngắn (mùa mưa bắt đầu sớm và kết thúc muộn), thời tiết biến đổi khá gay gắt (quá nóng hoặc quá lạnh), mưa trái mùa xảy ra thường xuyên đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất nuôi Artemia; song nhu cầu về trứng bào xác cũng như sinh khối Artemia là rất lớn. Riêng ở nước ta, nhu cầu hàng năm lên đến hàng trăm tấn trứng bào xác và hàng ngàn tấn sinh khối cho nuôi thủy sản khiến cho sản lượng sản xuất không đáp ứng đủ (Hòa & Vân, 2018). Vì thế, việc nghiên cứu kéo dài thời gian nuôi Artemia, đặc biệt là nuôi ở độ mặn thấp với hai mô hình nuôi thu trứng và sinh khối rất cần thiết để gia tăng sản lượng, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế đồng thời đa dạng hóa mô hình nuôi nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết biến đổi. Đồng thời, kết quả thử nghiệm này có thể đưa ra các khuyến cáo cho hộ nuôi trong vùng lựa chọn mô hình nuôi phù hợp với tình hình thị trường và điều kiện của nông hộ.

Qua quá trình nghiên cứu, đưa ra được kết luận như sau: nuôi Artemia ở độ mặn thấp (60‰), năng suất và hiệu quả tài chính ở mô hình sinh khối cao hơn so với mô hình thu trứng. Khi nuôi Artemia ở độ mặn thấp (60‰), quản lý tốt việc thu tỉa là quan trọng nhằm đạt hiệu quả nuôi tốt nhất.

Ngoài ra, có đề xuất: trong điều kiện khí hậu thay đổi đột ngột, nhiệt độ không được ổn định và độ mặn thấp như ngày nay, người nuôi có thể chọn cách nuôi thu sinh khối ở thay vì nuôi thu trứng và có thể kéo dài được thời gian nuôi trong lúc khí hậu biến đổi đột ngột, đảm bảo được năng suất thu hoạch, lợi nhuận kinh tế cao.

Việc nghiên cứu thêm phương thức thu tỉa tối ưu cho mô hình nuôi sinh khối là cần thiết; đồng thời tìm hiểu thêm ảnh hưởng của các yếu tố khác đến phương thức sinh sản của Artemia do hiện nay các yếu tố tác động lên phương thức sinh sản của Artemia vẫn chưa rõ.

Tạp chí khoa học Trường đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 2B (2023): 165-172
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài