SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của phân trùn quế đến sinh trưởng và năng suất cây đậu cove lùn (Phaseolus vulgaris L.) trong điều kiện tưới nước nhiễm mặn

[13/07/2023 15:51]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Trần Hiếu Hiền, Tất Anh Thư và Lê Vĩnh Thúc thuộc Học viên ngành Khoa học cây trồng, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Khoa học đất, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ và Khoa Khoa học cây trồng, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí khoa học Trường đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 2B (2023): 123-133.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, sự xâm nhập mặn vào nội đồng ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt. Việc thích nghi với xâm nhập mặn là vô cùng quan trọng (Dasgupta et al., 2009). Trên thế giới, nhiều nghiên cứu sử dụng nước mặn tưới cho cây trồng đã được công bố (Beltrasn, 1999; Kim et al., 2016). Sử dụng nước mặn tưới cho cây trồng ở nồng độ cao, thời gian tưới mặn cũng như số lần tưới làm giảm sinh trưởng, phát triển và năng suất cây trồng vì gây mất nước do sự chênh lệch áp suất thẩm thấu giữa dung dịch đất và tế bào rễ (Flowers, 2004; Dias et al., 2017). Mặn ảnh hưởng đến hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây (Nawaz et al., 2010). Đồng thời, mặn làm thay đổi hình thái và cấu trúc của cây (Cakmak, 2005). Để khắc phục vấn đề đất nhiễm mặn và nguy cơ thiếu nước ngọt, thế giới có các cách tiếp cận để vượt qua bất lợi BĐKH nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng, trong đó có giải pháp kết hợp việc cải tạo môi trường đất và lựa chọn cây trồng thích nghi.

Hình Ảnh minh họa

Phân trùn quế (PTQ) là một loại phân hữu cơ 100% được tạo thành từ phân trùn nguyên chất, giàu chất dinh dưỡng (Ramnarain et al., 2019). Phân trùn quế kích thích ảnh hưởng đến hoạt động của vi sinh vật trong đất, làm tăng lượng oxy sẵn có, duy trì nhiệt độ bình thường của đất, tăng độ xốp của đất và khả năng thẩm thấu của nước, cải thiện hàm lượng dinh dưỡng và tăng sinh trưởng, năng suất và chất lượng của cây trồng (Chaoui et al., 2003; Arora et al., 2011; Ansari & Ismail, 2012). Tao et al. (2010) cho rằng có thể được sử dụng để cải tạo đất mặn.

Đậu cove có tên khoa học là Phaseolus vulgaris L. thuộc họ đậu (Leguminosae, Fabaceae) là nhóm rau ăn trái, được trồng ở rất nhiều nơi trên thế giới (Choudhary et al., 2018; FAO, 2018). Trong tất c các loại đậu, đậu cove lùn là một trong 3 loại đậu được trồng phổ biến trên thế giới, phù hợp với nhiều loại đất (Rahman et al., 2013; Tugume, 2018). Nhu cầu tiêu thụ đậu cove rất lớn do trái đậu cove rất giàu protein, chất xơ, khoáng chất (Ca, P, Fe, K, Mg và Mn) và vitamin (A, B1, B2 và C) với các axit amin cao (Valdez-Perez et al., 2011). Nghiên cứu của Forde and Lea (2007) và Bằng (2020), ghi nhận trong cây đậu cove có enzyme glutamate dehydrogenase (GDH), sự biểu hiện của GDH được biết là có đáp ứng với các tác nhân vô sinh bất lợi như hạn, mặn. Cho đến nay, ở ĐBSCL chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của tưới nước nhiễm mặn cho cây đậu cove, cũng như những nghiên cứu về ảnh hưởng của phân trùn quế, thời gian tưới mặn, nồng độ mặn, các giai đoạn sinh trưởng.

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả thí nghiệm trồng đậu cove lùn ghi nhận cây đậu cove giai đoạn cây con sống tốt ở mức độ mặn 2‰. Mức độ mặn 3‰ ảnh hưởng đến tất cả các chỉ tiêu sinh trưởng của cây. Tưới nước mặn cho cây đậu cove ở giai đoạn ra hoa với nồng độ muối 1‰ không làm ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển của cây. Tưới nước mặn 2‰ làm ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu đường kính gốc thân, số lá kép, chiều dài và chiều rộng trái. Tưới mặn 3‰ làm giảm đến các chỉ tiêu sinh trưởng, chất lượng trái, giảm 18,2% năng suất so với nghiệm thức không tưới mặn.

Qua canh tác đậu cove lùn đã ghi nhận bón phân trùn quế kết hợp phân NPK theo khuyến cáo giúp gia tăng sự sinh trưởng, yếu tố cấu thành năng suất, tổng năng suất cao hơn so với chỉ bón phân NPK. Bón 30 tấn/ha phân trùn quế giúp tăng 14,6% so với nghiệm thức chỉ bón NPK. Kết quả ghi nhận thêm năng suất của nghiệm thức bón 20 và 30 tấn/ha phân trùn tương đồng. Có thể sử dụng liều lượng 20 tấn/ha phân trùn quế giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất.

Tạp chí khoa học Trường đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 2B (2023): 123-133.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài