SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm lâm sàng, bạch cầu, crp, vi khuẩn học và kháng sinh đồ của bệnh nhân viêm mô tế bào tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Cần Thơ

[20/07/2023 11:46]

Nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, bạch cầu, CRP, vi khuẩn học và kháng sinh đồ của bệnh nhân viêm mô tế bào tại Bệnh viện Da Liễu thành phố Cần Thơ năm 2022.

Việc hiểu rõ đặc điểm lâm sàng và các cận lâm sàng của bệnh (bạch cầu, CRP, vi khuẩn học và kháng sinh đồ) có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh hiệu quả. Từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành đề tài: “Đặc điểm lâm sàng, bạch cầu, CRP, vi khuẩn học và kháng sinh đồ của bệnh nhân viêm mô tế bào tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Cần Thơ năm 2022” với mục tiêu sau: Mô tả đặc điểm lâm sàng, bạch cầu, CRP, vi khuẩn học và kháng sinh đồ của bệnh nhân viêm mô tế bào tại Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ năm 2022.

Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng bì, hạ bì không hoại tử cấp tính do vi khuẩn, thường gặp ở tuổi trung niên và người già. Viêm mô tế bào biểu hiện bằng các vùng da hồng ban, phù nề, nóng; sốt và các biểu hiện toàn thân khác của nhiễm trùng cũng có thể có. Chẩn đoán dựa trên lâm sàng và thường hay tái phát. Hiện nay có các cận lâm sàng hỗ trợ như cấy máu hoặc cấy bệnh phẩm từ vết loét, nứt nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và độ nhạy cảm với kháng sinh; các yếu tố chỉ điểm viêm trong máu tăng như bạch cầu, CRP.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: 35 bệnh nhân được chẩn đoán viêm mô tế bào và điều trị nội trú tại Bệnh viện Da Liễu thành phố Cần Thơ năm 2022.

Phương pháp nghiên cứu:

- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca.

- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện phù hợp với đối tượng nghiên cứu.

- Phương pháp thu thập và xử lý số liệu: Phỏng vấn trực tiếp bệnh nhân, theo dõi và khám lâm sàng để đánh giá kết quả điều trị. Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0

Kết quả  sang thương đa số có các đặc điểm sau: vị trí ở tứ chi (62,9%), có mủ (82,9%) và đã vỡ mủ (71,4%). Đa số các bệnh nhân có tăng bạch cầu (82,9%), tăng CRP (71,4%). Cấy mủ âm tính chiếm đa số (42,9%), trong các trường hợp cấy mủ dương tính vi khuẩn thường gặp nhất là tụ cầu vàng (37,1%). Kết quả kháng sinh đồ cho thấy: các loại kháng sinh mà vi khuẩn trong viêm mô tế bào còn nhạy cảm cao là linezolide (83,3%), moxifloxacin (83,3%), ciprofloxacin (80%) và levofloxacin (75%).

Bệnh viêm mô tế bào chủ yếu gặp ở vị trí tứ chi, không sốt, đa số có mủ tuy nhiên tỷ lệ cấy mủ âm tính cao. Đa số các bệnh nhân tăng bạch cầu và tăng CRP. Tụ cầu vàng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các trường hợp cấy mủ dương tính. Các kháng sinh linezolide, ciprofloxacin, levofloxacin và synercid có độ nhạy cảm của vi khuẩn trong viêm mô bào cao.

Tạp chí y dược học cần Thơ số 60/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài