SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Rào cản học trực tuyến của sinh viên điều dưỡng và các yếu tố liên quan

[20/07/2023 12:03]

Nghiên cứu nhằm mô tả các yếu tố rào cản học trực tuyến của sinh viên điều dưỡng và xác định một số yếu tố liên quan.

Tại Việt Nam, học trực tuyến mới được triển khai và ứng dụng rộng rãi trong thời gian gần đây. Đây được xem là phương pháp thay thế hiệu quả cho hình thức dạy học truyền thống trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 nhằm không gián đoạn việc dạy và học mà vẫn tuân thủ chấp hành sự cách ly của chính phủ. Tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (ĐHYDCT) đã triển khai hoạt động dạy-học trực tuyến từ năm 2020. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc chuyển đổi hình thức học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến đã tạo ra không ít những rào cản (khó khăn) đối với sinh viên (SV), đặc biệt là sinh viên điều dưỡng (SVĐD), đối tượng mà kỹ năng thuyết trình, thảo luận ca bệnh lâm sàng là một phần rất quan trọng của phương pháp dạy-học. Một số thuận lợi và khó khăn của việc học trực tuyến đã được đề cập trong một vài nghiên cứu, báo cáo. Tuy nhiên, với sự khác biệt về điều kiện dạy-học, phương tiện dạyhọc, đặc thù chuyên ngành và đặc biệt là khó khăn từ phía người học cần được quan tâm làm rõ. Hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng hình thức học trực tuyến vẫn sẽ còn tiếp tục được duy trì vì những lợi ích mà nó mang lại. Do đó, việc tìm hiểu và xác định các yếu tố liên quan đến rào cản khi học tập trực tuyến của SVĐD sẽ đem lại nhiều lợi ích, cung cấp bức tranh tổng thể về những khó khăn mà sinh viên gặp phải trong quá trình học, từ đó có thể đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dạy-học trong tình hình mới.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu:

 Tất cả Sinh Viên điều dưỡng đang học tại trường ĐHYDCT năm học 2021-2022.

Phương pháp nghiên cứu:

 - Thiết kế nghiên cứu: Cắt ngang mô tả

 - Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu toàn bộ SVĐD có tham gia lớp học trực tuyến trong thời gian nghiên cứu. Tổng số SVĐD năm học 2021-2022 là 307 SV. Trong nghiên cứu này chúng tôi thu thập được 245 mẫu (tỷ lệ đạt 79,8%).

- Phương pháp thu thập số liệu: Bộ câu hỏi tự điền trong khoảng thời gian 20 phút được phát trực tiếp cho SVĐD tham gia nghiên cứu. - Phương pháp xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm thống kê SPSS 26.0. Thống kê mô tả (tần số, tỷ lệ (%), trung bình (TB), độ lệch chuẩn (ĐLC), trung vị) được sử dụng để mô tả đặc điểm chung của SVĐD và thông tin liên quan đến học trực tuyến. Thống kê suy luận (kiểm định t-test, ANOVA và tương quan Spearman, mức ý nghĩa p < 0,05) được sử dụng để kiểm định mối liên quan giữa rào cản học trực tuyến với đặc điểm của SVĐD.

 Một số điểm rào cản học trực tuyến là 3,32 ± 0,68; nhóm rào cản về môi trường có điểm số cao nhất, kế đến là nhóm rào cản về tâm lý và sự tương tác, cuối cùng là rào cản về kinh tế. Có mối liên quan giữa rào cản học trực tuyến với tuổi, tình trạng hôn nhân, hệ đào tạo, số học phần học trực tuyến/học kỳ và tần suất tập trung khi tham gia học trực tuyến.

Rào cản học trực tuyến của SVĐD ở mức độ trung bình, cao nhất là nhóm rào cản về môi trường, kế đến là nhóm rào cản về tâm lý và sự tương tác, cuối cùng là rào cản về kinh tế. Tuổi, tình trạng hôn nhân, hệ đào tạo, số học phần học trực tuyến/học kỳ và tần suất tập trung khi tham gia học trực tuyến là các yếu tố liên quan ảnh hưởng đến mức độ rào cản học trực tuyến của SVĐD. Các nhà quản lý và giáo dục điều dưỡng cần quan tâm đến thực trạng này cũng như các yếu tố liên quan để có phương pháp can thiệp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả dạy-học trực tuyến.

Tạp chí y dược học Cần Thơ, số 60/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài