SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu tình hình bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại một số tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ

[21/07/2023 14:24]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Võ Thị Hải Lê (Trường Đại học Kinh tế Nghệ An), Nguyễn Xuân Hòa (Trường Đại học Nông Lâm Huế), Lê Đình Huệ và Lê Hoàn (Chi cục Thú y vùng 3) thực hiện.

Bệnh viêm da nổi cục hay còn gọi là Hội chứng da sần (Lympy skin disease - LSD). Bệnh do Capripoxvirus một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra. Bệnh được mô tả lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1929 ở Zambia. Ban đầu, bệnh được coi là kết quả của việc ngộ độc hoặc quá mẫn cảm với vết cắn của côn trùng. Từ năm 1943 đến 1945, các ca bệnh được phát hiện ở Botswana (Bechuanaland), Zimbabwe (Nam Rhodesia) và Cộng hòa Nam Phi. Một đợt bùng phát ở Nam Phi, kéo dài cho đến năm 1949, đã ảnh hưởng đến khoảng tám triệu con gia súc và gây ra thiệt hại kinh tế to lớn.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, LSD được báo cáo lần đầu tiên vào năm 2019 ở tây bắc Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ. Trong năm 2020, bệnh LSD tiếp tục lan rộng khắp lục địa châu Á với nhiều quốc gia bao gồm Bhutan, Hong Kong, Myanmar, Nepal, Đài Loan, Việt Nam và Sri Lanka.

Đến nay, bệnh đã xảy ra tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó có một số tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ làm hàng trăm nghìn gia súc mắc bệnh, hàng nghìn gia súc bị tiêu hủy và chết, gây thiệt hại lớn cho sản xuất chăn nuôi. Trong đó, theo báo cáo của Chi cục Thú y vùng 3, tính đến ngày 30/4/2021 toàn khu vực có 897 xã thuộc 71 huyện của 5 tỉnh Bắc Trung Bộ có bệnh, 35.064 con mắc bệnh, số chết và tiêu hủy lên tới 3.934 con.

Tổng số 1.166 mẫu bệnh phẩm đã được thu thập từ trâu, bò có triệu chứng lâm sàng và dịch tễ của bệnh viêm da nổi cục (Lympy skin disease - LSD) tại các vùng có dịch bệnh này ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 – 30/4/2021 để xét nghiệm, phát hiện virus gây LSD bằng kỹ thuật realtime - PCR. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 1.048 mẫu dương tính với virus gây bệnh LSD (Capripoxvirus), chiếm tỷ lệ 89,88%; với sự sai khác có ý nghĩa về tỷ lệ mẫu bệnh phẩm dương tính với virus LSD giữa các tỉnh thuộc vùng nghiên cứu (p=0,000015). Nghiên cứu còn chỉ ra rằng có sự sai khác có ý nghĩa (p< 0,05) về tỷ lệ dương tính giữa các loại mẫu bệnh phẩm, trong đó tỷ lệ mẫu vảy trên da dương tính với virus LSD là cao nhất (96,86%), cao hơn tỷ lệ mẫu dương tính của mẫu máu (86,69%) và mẫu gộp (83,73%).

Kết quả điều tra về tình hình mắc LSD tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị cho biết dịch bệnh đã xuất hiện tại tỉnh Quảng Trị từ tháng 12/2020. Từ ngày 12/12/2020 đến ngày 30/4/2021, dịch bệnh đã lan rộng đến 71 huyện, thị, thành phố, với 897 xã, phường của các tỉnh này; số lượng trâu bò chết và tiêu hủy là 3.934 trên tổng số 35.064 con mắc bệnh (chiếm tỷ lệ 11,22%). Nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng cho biết tại vùng nghiên cứu có 170 con trâu mắc bệnh (chiếm 0,48%) và 34.889 con bò mắc bệnh (chiếm tỷ lệ 99,50% so với tổng số trâu, bò mắc bệnh). Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh là 2,19% so với tổng đàn. Tỷ lệ chết và tiêu hủy là 2,2% so với tổng đàn trâu, bò tại địa phương có dịch; khối lượng trâu, bò tiêu hủy lên tới 528.409 kg. Nghiên cứu cũng cho biết có 644.667 con trâu, bò được tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục; đạt tỷ lệ 40,37%.

Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y Tập XXIX Số 1 năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài