SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc tính đất, cấu trúc giải phẫu thực vật và sự hiện diện vi khuẩn trong đất vùng rễ, vi khuẩn nội sinh của cây Xuyên tâm liên Andrographis paniculata (Burm. f.) Nees

[02/05/2024 08:41]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác Phùng Thị Hằng, Tạ Hồng Thắm, Nguyễn Thị Yến Linh, Lê Ngọc Trâm, Nguyễn Thị Huyền Trân, Đỗ Thành Luân, Nguyễn Quốc Khương, Nguyễn Khởi Nghĩa và Nguyễn Trọng Hồng Phúc thuộc Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ và Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.

Cây Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) là cây có nhiều công dụng như kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus SARS-CoV-2 (gây ra đại dịch Covid-19) (Hằng và ctv., 2021). Một số hợp chất được chiết xuất từ cơ quan sinh dưỡng của Xuyên tâm liên cho thấy có khả năng chống ung thư (Adhikari & Mukhopadhyay, 2022) và đặc tính chống nhiễm trùng phổ rộng (Firdous et al., 2020). Vì vậy, Xuyên tâm liên được xem là nguồn dược liệu tiềm năng trong tương lai. Thực vật tồn tại trong mối liên hệ chặt chẽ với vô số vi sinh vật xung quanh và cả bên trong cơ thể của chúng. Một số chủng vi khuẩn cộng sinh đã tạo nên những hoạt động tốt cho cây chủ, thể hiện ở khả năng chống sâu bệnh (căng thẳng sinh học) hay khả năng chống chịu tác động của các yếu tố tự nhiên như hạn hán, nhiễm mặn... Ngoài ra, chúng còn làm tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng (đạm, lân) và quang hợp. Gần đây, việc lựa chọn các biện pháp cải thiện mối tương tác giữa thực vật và hệ vi sinh vật được xem là định hướng tốt để tăng lợi ích trong nông nghiệp (Harman et al., 2021). Trong báo cáo này, các điều kiện ảnh hưởng đến mối tương tác giữa hệ vi sinh vật và cây Xuyên tâm liên như các đặc tính của đất và cấu trúc mô (của các cơ quan sinh dưỡng) được khảo sát và đánh giá. Đây là cơ sở cho sự phân lập và nhận diện hệ vi sinh vật cộng sinh với cây Xuyên tâm liên có nhiều hoạt chất đối kháng.

Qua quá trình nghiên cứu có kết luận như sau: Xuyên tâm liên là cây có khả năng thích nghi với nhiều môi trường đất có pH và thành phần dinh dưỡng khác nhau. 55 dòng vi khuẩn đã được phân lập từ đất vùng rễ và cơ quan sinh dưỡng của Xuyên tâm liên. Số lượng vi khuẩn phân lập từ đất vùng rễ cao nhất (18 dòng), hàm lượng chất hữu cơ trong đất có ảnh hưởng đến số lượng vi khuẩn phân lập được. Tại địa điểm đất có hàm lượng chất hữu cơ cao nhất phân lập được nhiều vi khuẩn nhất và ngược lại. Phương pháp giải phẫu có thể sử dụng để xác định các khu vực cư trú của vi sinh vật nội sinh. Các bộ phận trong cây đều có vi khuẩn nội sinh với số lượng khác nhau. Vi khuẩn có thể xâm nhiễm vào cơ quan sinh dưỡng của cây Xuyên tâm liên qua biểu bì, định khu và di chuyển qua lại giữa các mô có vách bằng cellulose và nhiều chất dinh dưỡng như nhu mô, giao mô và mô libe.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 3A (2023): 64- 71.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài