SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quy trình nuôi cấy dòng tế bào thường trực PIPEC để gây nhiễm virus vacxin nhược độc dịch tả lợn châu Phi chủng SFV-G-DELTA-I177L/DELTA LVR

[21/07/2023 14:26]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Nguyễn Như So, Nguyễn Thế Tường (Tập đoàn DABACO), Vũ Đăng Đồng, Nguyễn Thị Thu Hường, Phạm Thị Hòa, Phạm Thị Hằng, Nguyễn Thị Thanh Nga (Trung tâm Chẩn đoán Thú y DABACO), Nguyễn Bá Hiên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Đinh Duy Kháng (Viện Công nghệ sinh học) thực hiện.

Từ tháng 2 năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên đàn lợn ở Việt Nam, tạo ra một đợt dịch lớn, lan rộng 63/63 tỉnh thành trong cả nước với hơn 3,3 triệu con lợn bị tiêu hủy. Từ đó tới nay diễn biến của dịch vô cùng phức tạp và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Gần đây nhất, ngày 13/9/2021, dịch tái bùng phát tại 4 huyện của tỉnh Đắk Nông làm tiêu hủy nhiều đàn lợn. Dù đã xuất hiện được hơn 100 năm, nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế do tính chất phức tạp của mầm bệnh, nhiều đặc điểm dịch tễ chưa được khám phá. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có vacxin thương mại để phòng bệnh được công nhận. Khó khăn chung trong việc phát triển được vacxin có hiệu lực là do ASFV mã hóa rất nhiều loại protein tác động trực tiếp tới hệ miễn dịch của vật chủ, giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch, đồng thời chưa tìm ra được một dòng tế bào thích ứng và ổn định để nhân virus với một số lượng lớn. Gần đây, một số ứng cử viên vacxin tiên tiến nhất là các chủng ASFV nhược độc (ASFV-G-ΔI177L) được phát triển bằng cách sử dụng chủng virus độc lực ASFV-G xóa gen I177L (chủng ASFV-G là chủngvirus độc lực cao gây ra đại dịch ở Georgia). ASFV-G-ΔI177L an toàn và hiệu quả cao trong các nghiên cứu thử thách sử dụng ASFV-G cường độc gốc. Việc sản xuất quy mô lớn ASFV-G-ΔI177L đã bị hạn chế vì nó chỉ có thể tái tạo hiệu quả trong các đại thực bào sơ cấp của lợn. Tiếp tục nghiên cứu phát triển từ chủng virus ASFV-G-ΔI177L, các nhà khoa học trên đã tạo ra được chủng virus vacxin nhược độc dịch tả lợn châu Phi ASFV-G-ΔI177L/ΔLVR, thích ứng nhân lên trong một dòng tế bào thường trực có nguồn gốc từ lợn rất ổn định là dòng tế bào thường trực PIPEC (PlumIsland Porcine Epitelial Cells). Trong các nghiên cứu thử thách, ASFV-G-ΔI177L/ΔLVR duy trì cùng mức độ suy giảm độc lực, đặc điểm sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ như ASFV-G-ΔI177L. ASFV-G-ΔI177L/ΔLVR là chủng virus vacxin nhược độc ASF đầu tiên được thiết kế hợp lý có thể được sử dụng để sản xuất vacxin thương mại với quy mô lớn. Được sự giúp đỡ của Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng mà đứng đầu là Cục Thú y, Tập đoàn DABACO đã được cung cấp chủng virus vacxin nhược độc ASFV-G-DeltaI177L/Delta LVR, dòng tế bào thường trực PIPEC thích ứng cho chủng ASFV-G-Delta I177L/Delta LVR nhân lên.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm chuẩn hoá quy trình nuôi cấy tế bào PIPEC (PIPIC - tên thương mại xuất khẩu), gây nhiễm thử nghiệm chủng virus vacxin nhược độc ASFV-GΔI177L/ΔLVR tiến tới nghiên cứu quy trình sản xuất vacxin nhược độc phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn ở Việt Nam

Qua nghiên cứu có thể kết luận như sau: Đã gọi dậy, nuôi cấy, phát triển và bảo quản thành công dòng tế bào thường trực PIPEC sau khi nhập khẩu từ Mỹ; Đã gây nhiễm thành công chủng virus nhược độc ASFV-G-Delta I177L/delta LVR nhập khẩu từ Mỹ trên dòng tế bào PIPEC. Như vậy có thể tiến hành những nghiên cứu tiếp theo nhằm chế tạo được vacxin dịch tả lợn châu Phi.

Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y Tập XXIX Số 1 năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài