SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số đặc tính sinh học và tính sinh miễn dịch của chủng virus porcine epidemic diarhea phân lập tại miền Bắc Việt Nam

[21/07/2023 14:27]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Bích, Trần Văn Khánh, Nguyễn Thanh Ba, Hoàng Bùi Tiến và Nguyễn Đức Lưu thuộc Công ty CP Dược và vật tư Thú y (HANVET) thực hiện.

Porcine epidemic diarrhea virus (PEDV) thuộc họ Coronaviridae là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp ở lợn (PED), triệu chứng là phân vàng lỏng như nước, nôn nhiều, dịch nôn chứa sữa không tiêu ở lợn con theo mẹ. Mổ khám có bệnh tích điển hình là thành ruột mỏng, trong suốt nhìn rõ sữa không tiêu trong lòng ruột. Dịch tiêu chảy do PEDV xảy ra rộng khắp ở châu Âu trong những năm 1970 đến 1980. Từ năm 2010, có những phát hiện về PEDV tại thực địa đã biến đổi so với các chủng virus vacxin đang lưu hành. Đặc biệt năm 2013, một vụ dịch lớn xảy ra ở Mỹ, sau đó các phân tích di truyền cho thấy hầu hết virus phân lập ở châu Á và châu Mỹ thuộc nhóm genogroup 2 (G2). Virus nằm ở nhánh khác hoàn toàn với chủng virus vacxin đang lưu hành. Hiện nay, một số quốc gia đã thành công trong nghiên cứu vacxin PEDV vô hoạt từ chủng thực địa thuộc nhóm G2.Ở Việt Nam, bệnh PED được phát hiện lần đầu tiên năm 2008. Chủng virus thực địa tại Việt Nam thuộc 2 nhóm di truyền của PEDVlà genogroup 1 (G1) và genogroup 2 (G2), trong đó PEDV thuộc nhóm G2 chiếm ưu thế. Trong khi hiện nay, vacxin thương mại nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là vacxin vô hoạt hoặc vacxin nhược độc sản xuất trên các chủng thuộc G1 như chủng CV777, DR13, SM98. Bởi vậy, dù vacxin PED được dùng đầy đủ trên lợn ở các cơ sở chăn nuôi, nhưng dịch tiêu chảy do PEDV vẫn xảy ra mà không có tín hiệu bảo vệ bởi vacxin.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Bài báo này được trình bày dựa trên số liệu nghiên cứu bốn chủng virus porcine epidemic diarrhea (PEDV) đã được phân lập tại miền Bắc Việt Nam, nhằm tuyển chọn chủng virus dùng trong nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng bệnh tiêu chảy cấp (PED).Các chủng PEDVthực địa đã được giám định genogroup bằng kỹ thuật multiplex RT-PCR.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các chủng virus thực địa thuộc genogroups 2, trong khi virus vacxin nhược độc (chủng SM98) từ vacxin nhập khẩu hiện đang lưu hành ở Việt Nam lại thuộc genogroup 1. Khi nhuộm miễn dịch tế bào vero nhiễm PEDV thực địa đã quan sát thấy, các tế bào vero đơn lẻ nhiễm virus chiếm đa số, thể hợp bào hình thành nhỏ, hiệu giá virus cao nhất đạt 106,1TCID50. Nghiên cứu tính sinh miễn dịch giữa các chủng virus đã được thực hiện bằng phản ứng trung hòa virus, kết quả cho thấy chủng PEDV 0118 thực địa có khả năng kháng chéo 100% với 3 chủng thực địa còn lại trong nghiên cứu.

Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y Tập XXIX Số 1 năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài