SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá tình hình và xác định nguyên nhân gây bệnh chết héo cây Keo lai (Acacia hybrid) tại xã Ea Trang, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk

[21/07/2023 14:36]

Diện tích rừng trồng các loài Keo ở Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn với khoảng hơn 02 triệu ha. Những năm gần đây rừng trồng Keo lai đã bị những thiệt hại rất lớn do bệnh chết héo gây ra. Với tỷ lệ và mức độ bị bệnh trên rừng trồng ngày càng nghiêm trọng, nên rất cần xác định mức độ gây hại và nguyên nhân gây bệnh để có các giải pháp quản lý hiệu quả và kịp thời.

Ảnh minh họa: Internet

Trong những năm gần đây, phát triển rừng trồng, nhất là rừng trồng các loài cây Keo làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp sản xuất giấy, chế biến gỗ đã và đang là ưu tiên lớn trong ngành lâm nghiệp của cả nước nói chung và tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Diện tích rừng trồng các loài keo tại Việt Nam năm 2011 đạt 1,1 triệu ha (Harwood and Nambiar, 2014), đến năm 2015 đạt 1,3 triệu ha (Phạm Quang Thu, 2016a) và thống kê gần đây nhất là khoảng hơn 02 triệu ha (MARD, 2019). M’Drắk là huyện có diện tích rừng trồng sản xuất (chủ yếu là cây keo lai) lớn nhất tỉnh Đắk Lắk. Năm 2022 diện tích rừng trồng Keo lai ở huyện là 23.400 ha và xã Ea Trang là 7.000 ha (Anh Tuấn, 2022). Các đơn vị trồng rừng ở đây chủ yếu là trồng thuần loài và tổ chức trồng lại rừng ngay sau khi thu hoạch để tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích cây trồng. Tuy nhiên, việc trồng rừng thuần loài với quy mô lớn và liên tục đã tạo sinh cảnh mới thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh hại phát sinh mạnh và gây hại nặng (Phạm Quang Thu, 2016; Phạm Quang Thu và cộng sự., 2016). Trong rừng trồng Keo lai tại Việt Nam, Phạm Quang Thu (2016) đã ghi nhận được 101 loài sâu hại và 41 loài vi sinh vật gây bệnh.

Bệnh chết héo do Ceratocystis sp. gây ra ở Indonesia, Việt Nam và Malaysia đang là mối quan tâm và đang gây chết cây A. mangium trên quy mô lớn (Tarigan et al, 2011a; Thu và cộng sự, 2012; Brawner et al, 2015). Chúng gây bệnh nghiêm trọng trên các loài Keo ở Indonesia và Malaysia với hàng nghìn ha rừng bị chết héo mỗi năm (Tarigan et al., 2016). Ở Việt Nam, năm 2015 đã ghi nhận có 17 tỉnh với gần 2.000 ha rừng keo bị bệnh chết héo (Cục Bảo vệ thực vật, 2015). Năm 2016, có thêm hơn 1.500 ha rừng keo bị bệnh chết héo tại Tổng công ty Giấy (Phạm Quang Thu, 2016b). Nghiên cứu phân lập một số chủng nấm gây bệnh thu từ rừng keo và giám định bằng dữ liệu chuỗi ADN đã phát hiện 5 loài gồm: C. inquinans, C. sumatrana, C. microbasis, C. manginecans và C. acaciivora (Tarigan et al., 2010; Tarigan et al., 2011a).

Nấm Ceratocystis spp. gây bệnh chết héo nhiều loài cây trồng ở vùng nhiệt đới (Kile, 1993). Bào tử nấm xâm nhiễm vào cây thông qua côn trùng, vết thương cơ giới, vết nứt và do tỉa cành (Harrington, 2009; Tarigan et al, 2016), Bào tử thường được phát tán bởi bọ cánh cứng ăn gỗ và bọ vỏ cây bị hút vào dịch tiết từ cây bị nhiễm bệnh (Heath et al, 2009). Bệnh chết héo do nấm Ceratocystis spp. gây hại có triệu chứng điển hình là thân hoặc cành bị nứt, xì nhựa hoặc xí nước, vỏ và gỗ ở quanh vết bệnh bị biến màu; vỏ và gỗ ở phần gốc và rễ lớn bị thối và biến màu (Ake et al, 1992, Wingfield et al, 1996).  Năm 2009, tại các tỉnh thuộc miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ ghi nhận hiện tượng cây keo bị chết héo, triệu chứng của bệnh rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu; đã phân lập được 26 chủng nấm gây bệnh chết héo Keo lai, Keo tai tượng và Keo lá tràm, bước đầu xác định là loài Ceratocystis sp. (Phạm Quang Thu và cộng sự, 2012). Bệnh chết héo do nấm Ceratocystis sp. đang được đánh giá là dịch bệnh nguy hiểm đối với rừng trồng keo ở nước ta (Phạm Quang Thu, 2016) Nấm Ceratocystis spp. rất nguy hiểm, chúng là tác nhân gây bệnh nhiều loài cây trồng, đặc biệt là rừng trồng các loài keo. Đến nay chỉ có một vài giải pháp đơn lẻ nhằm hạn chế bệnh nhưng chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả nấm Ceratocystis spp. gây bệnh chết héo.

Điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam là môi trường thuận lợi cho nhiều loài nấm phát triển, đặc biệt là các loài nấm Ceratocystis sp. xuất hiện và gây hại rừng trồng các loài bạch đàn (Nguyễn Minh Chí và Phạm Quang Thu, 2016); gây hại rừng trồng các loài keo nói chung và Keo lai nói riêng trên khắp Việt Nam, đặc biệt là những địa phương có diện tích rừng trồng tập trung với quy mô lớn như ở Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước... (Phạm Quang Thu, 2016).

Tại Đắk Lắk, từ mùa mưa năm 2017 bệnh chết héo đã bắt đầu xuất hiện và lây lan gây bệnh ngày càng nhiều. Trong năm 2019, bộ môn Bảo vệ thực vật, trường Đại học Tây Nguyên đã đến khảo sát bệnh chết héo Keo lai tại huyện M’Drắk, kết quả cho thấy nhiều diện tích trồng Keo lai bị nhiễm với tỷ lệ 20 – 40 %, hoặc chết hoàn toàn ở một số diện tích trồng. Chủ rừng phát hiện cây bị bệnh nhưng chưa rõ nguyên nhân và áp dụng biện pháp phòng trừ, sau đó chủ rừng để đất trống. Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào công bố về nguyên nhân gây chết héo trên rừng trồng Keo lai tại đây. Xuất phát từ thực tiễn trên, thực hiện “Đánh giá tình hình và xác định nguyên nhân gây bệnh chết héo cây Keo lai (Acacia hybrid) tại xã Ea Trang, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk “ là rất cần thiết.

Bệnh chết héo Keo lai ở khu vực nghiên cứu có tỷ lệ trung bình dao động từ 10,8% - 21,9 %; chỉ số bệnh trung bình dao động từ 6,4 – 13,1 % và chỉ số tổn thất cho thấy mức độ hại của bệnh ở mức hại nhẹ. Dựa vào triệu chứng bệnh và đặc điểm của nấm gây bệnh cho thấy nguyên nhân gây ra bệnh chết héo rừng trồng Keo lai được xác định là do nấm Ceratocystis sp. Kết quả này có ý nghĩa bước đầu cho những nghiên cứu về đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng trừ bệnh hại chết héo trên cây Keo lai nhằm quản lý hiệu quả bệnh trên rừng trồng Keo lai.

Tạp chí trường Đại học Tây Nguyên, Số 57, tháng 12-2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài