SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của cao chiết vỏ quế (Cinnamomum verum) lên tăng trưởng và khả năng bảo vệ cá rô phi (Oreochromis spp.) kháng lại vi khuẩn Streptococcus agalactiae

[30/07/2023 20:53]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Trúc Quyên, Đoàn Văn Cường, Mã Tú Lan, Nguyễn Thành Nhân, Từ Thanh Dung, Nguyễn Thị Ngọc Tĩnh đang công tác tại Khoa Khoa học Sinh học, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Cá rô phi là loài cá được nuôi phổ biến thứ hai trên thế giới, chỉ sau những loài cá chép. Cá rô phi đã được đưa vào nuôi thương mại ở hơn 100 quốc gia và trở thành loài mang lại giá trị kinh tế cao trong nuôi trồng thủy sản. S. agalactiae là nguyên nhân gây bệnh xuất huyết trên cá rô phi, gây ảnh hưởng đến việc nuôi cá rô phi trên thế giới . Nghiên cứu cho thấy, chủng vi khuẩn được phân lập từ các mẫu cá rô phi đỏ có dấu hiệu xuất huyết và phù mắt tại Việt Nam là S. agalactiae kiểu huyết thanh III (tỉnh An Giang và Đồng Tháp) và Ia (tỉnh Thừa Thiên Huế). Thời gian gần đây, việc sử dụng thảo dược trong phòng trị bệnh nhiễm khuẩn đang ngày càng trở nên phổ biến, do có nhiều ưu điểm như: dễ tìm kiếm, giá thành thấp, hoạt tính kháng khuẩn cao, có khả năng kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của vật chủ, thân thiện với môi trường và không gây nên hiện tượng đề kháng thuốc. Bên cạnh đó, các chất kích thích miễn dịch thường được bổ sung vào thức ăn thủy sản bằng phương pháp cho ăn do có nhiều ưu điểm như: có tính kinh tế cao (tỷ lệ hao hụt ít), không gây stress cho thủy sản nuôi, sử dụng được trên bất kỳ giai đoạn nuôi nào của thủy sản... Tuy nhiên, việc bổ sung vào thức ăn các chất kích thích miễn dịch hoặc các thành phần đã được chứng minh có vai trò giúp kháng bệnh tốt nhất vào thức ăn không phải lúc nào cũng giúp đối tượng nuôi nâng cao hệ miễn dịch hoặc đạt được sự tăng trưởng tốt nhất.

Hình minh họa (Internet)

Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của cao chiết vỏ quế bổ sung vào thức ăn lên các chỉ số tăng trưởng và khả năng bảo vệ cá rô phi kháng lại vi khuẩn Streptococcus agalactiae được phân lập từ cá rô phi (Oreochromis spp.) nhiễm bệnh thu tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Cao chiết vỏ quế được bổ sung vào thức ăn với các tỷ lệ 10, 20 và 40 g/kg thức ăn. Cá thí nghiệm được gây cảm nhiễm bằng phương pháp tiêm xoang bụng với 0,1 ml vi khuẩn S. agalactiae có nồng độ 1,8x104  CFU/ml, nghiệm thức đối chứng âm tiêm 0,1 ml nước muối sinh lý. Kết quả cho thấy, việc bổ sung cao chiết vỏ quế với 3 hàm lượng như trên vào thức ăn đảm bảo an toàn cho sự sống và sinh trưởng của cá rô phi giống; thêm vào đó, bổ sung cao chiết vỏ quế với hàm lượng 20 g/kg thức ăn cho hiệu quả bảo vệ cao nhất (RPS=51,4%). Cao chiết vỏ quế là loại cao chiết thảo dược tiềm năng có thể sử dụng trong phòng bệnh do S. agalactiae  gây ra trên cá rô phi.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài