SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mối quan hệ giữa kích cỡ cá cái với một số chỉ tiêu sinh sản, đường kính trứng và tăng trưởng cá bột của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

[11/08/2023 16:29]

Nghiên cứu do hai tác giả Tạ Anh Thư và Dương Thúy Yên thuộc Khoa Thủy Sản, Trường Đại Học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: Internet

Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là một trong ba đối tượng nuôi thủy sản chủ lực của Việt Nam (PM, 2018; Nguyen, 2021). Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nghề nuôi cá tra hiện nay sử dụng nguồn cá giống sinh sản nhân tạo. Trong sản xuất cá giống, khối lượng cá bố mẹ, đặc biệt là cá cái là một yếu tố quan trọng cần được xem xét. Các trại sản xuất giống cá tra thường chọn cá bố mẹ có khối lượng trung bình từ 3 -5 kg để cho sinh sản (Duong & Nguyen, 2008). Theo Bui & ctv. (2010), cá mẹ có khối lượng nhỏ nhất được sử dụng cho sinh sản là 1,75 kg/con và thường bị loại bỏ khi đạt khối lượng ≥10 kg/con. Tuy nhiên, việc chọn cá cái có khối lượng nhỏ cho sinh sản thường cho khối lượng trứng ít và chất lượng trứng không ổn định (Bui, 2015). Bên cạnh đó, việc chọn cá có khối lượng lớn cho sinh sản không có lợi cho sản xuất do phải tốn thức ăn nhiều hơn trong nuôi vỗ và lượng hormon dùng để kích thích sinh sản cũng nhiều hơn, làm tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận (Duong &Nguyen, 2008). Nghiên cứu trên nhiều loài cá cho thấy kích cỡ cá bố mẹ ảnh hưởng đến đường kính trứng, quá trình phát triển phôi và tăng trưởng của cá con (Green & ctv., 2005; Pham & Nguyen, 2009). Theo Duong & ctv. (2014), cá rô đầu vuông (An-abas testudineus) bố mẹ có kích cỡ vượt trội trong đàn cho tăng trưởng của đàn con từ giai đoạn cá bột lên cá giống nhanh hơn so với cá bố mẹ có kích cỡ nhỏ hơn. Tương tự, ở cá hồi (Oncorhynchustshawytscha) tăng trưởng của đàn con trong giai đoạn cá nhỏ bị ảnh hưởng bởi kích cỡ và tuổi của cá mẹ (Heath & ctv., 1999). Bên cạnh đó, kích cỡ cá mẹ còn ảnh hưởng đến sức sinh sản và đường kính trứng,.... Ở cá trê vàng (Clariasmacrocephalus), sức sinh sản tăng tuyến tính theo khối lượng cá cái (dao động từ 79 – 296 g) cá cái có khối lượng lớn, dao động từ 218 – 251 g có sức sinh sản cao (14.886±3.787 trứng/cá cái) và đường kính trứng lớn (1,53±0,05 mm) hơn so với cá cái nhỏ, từ 90 – 114 g (tương ứng là 7.663±2.642 trứng/cá và 1,49±0,06 mm) (Thet, 2021). Ngược lại, kết quả nghiên cứu trên loài cá ngựa (Danio rerio) của Uusi-Heikkila & ctv. (2010) cho thấy đường kính trứng có xu hướng giảm khi kích thước cá mẹ tăng. Theo nghiên cứu của Duong & Pham (2014) trên cá rô đầu vuông thì sức sinh sản thực tế, tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ nở không bị ảnh hưởng bởi kích cỡ cá mẹ. Những nghiên cứu trên cho thấy kích cỡ cá bố mẹ có thể ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu sinh sản, kích cỡ trứng và sự phát triển của cá bột. Đến nay, chưa có nghiên cứu về vấn đề này trên cá tra.Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của kích cỡ cá cái lên một số chỉ tiêu sinh sản, kích cỡ trứng và chiều dài của cá tra bột. Từ đó, cung cấp thông tin phục vụ sản xuất giống đối tượng nuôi quan trọng này.

Cá tra thành thục được chọn từ bể tuần hoàn nuôi cá vỗ cá bố mẹ. Cá cái (n = 36) với khối lượng khác nhau (1,7 - 7,0 kg) được cho sinh sản nhân tạo với cùng nhóm cá đực. Kết quả cho thấy sức sinh sản thực tế (331.667 - 1.404.791 trứng/con) có mối quan hệ thuận (P < 0,01) nhưng sức sinh sản tương đối (73.849- 255.214 trứng/kg cá cái) có mối tương quan nghịch với khối lượng cá cái (P< 0,01). Số cá cái cho sinh sản gồm 18 con và được phân chia thành 3 nhóm khối lượng (6 - 7 kg, n = 5; 5 - 5,5 kg, n = 8; và 3 -4,8 kg, n = 5) để theo dõi một số chỉ tiêu sinh sản gồm đường kính trứng, tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ nở. Kết quả nghiên cứu cho thấy đường kính trứng (1.014 - 1.024μm), tỉ lệ thụ tinh (65,78 - 79,00%) và tỉ lệ nở (42,73 - 57,27%) của ba nhóm cá khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P> 0,05). Cá bột của nhóm cá cái trung bình và lớn có xu hướng tăng trưởng về chiều dài nhanh hơn đàn con của nhóm cá cái nhỏ và sự khác biệt này có ý nghĩa ở thời điểm mới nở, 24 và 72 giờ sau khi nở (P< 0,05). Thể tích noãn hoàng khác biệt không có ý nghĩa giữa ba nhóm cá (P > 0,05), dao động từ 0,37 đến 0,41 mm3 khi cá mới nở, giảm 62,2 - 68,3% sau 36 giờ và 83,8 - 85,4% sau 48 giờ. Nhìn chung, cá cái có khối lượng từ 5 – 7 kg cho kết quả sức sinh sản thực tế và tăng trưởng của đàn con ở 5 ngày sau khi nở tốt hơn so với nhóm cá cái nhỏ.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Số 6 (2022)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài