SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng rối loạn điện giải ở bệnh nhân xơ gan điều trị tại trung tâm y tế huyện Thanh Ba

[25/08/2023 16:03]

Nghiên cứu do tác giả Lê Quốc Tuấn thực hiện.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu nhằm mục tiêu nghiên cứu tình trạng rối loạn điện giải ở bệnh nhân xơ gan tại Trung tâm Y tế Huyện Thanh Ba.

Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến cứu trên 53 bệnh nhân xơ gan tại Trung tâm Y tế Huyện Thanh Ba từ tháng 2/2021 đến hết tháng 12/2022.

Xơ gan được định nghĩa là sự phát triển về mặt mô học của các nốt tái tạo được bao quanh bởi các dải xơ để đáp ứng với tổn thương gan mạn tính dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch cửa và xơ gan mất bù. Rượu và viêm gan C là những nguyên nhân gây xơ gan phổ biến nhất ở phương Tây, trong khi viêm gan B phổ biến ở hầu hết các vùng của Châu Á [1]. Hạ natri máu là rối loạn điện giải phổ biến nhất ở bệnh nhân nhập viện và bệnh nhân xơ gan tiến triển. Hạ natri máu trong xơ gan được định nghĩa là nồng độ natri máu dưới 130 mmol/L [2]. Khoảng 20% bệnh nhân có hạ natri máu trong bệnh xơ gan [3]. Tỷ lệ hạ natri máu vào khoảng 57% ở bệnh nhân xơ gan nhập viện, và 25% ở bệnh nhân xơ gan ổn định. Khoảng 0,4% tăng natri máu nặng (>150 mmol/L), 4% tăng natri máu vừa phải (>145 mmol/L) [4]. Nồng độ kali máu có thể rất khác nhau ở những bệnh nhân xơ gan không ổn định, với tỷ lệ 20% hạ kali máu và 12% tăng kali máu [5]. Hạ kali máu có thể do giảm lượng kali hấp thụ hoặc do mất quá nhiều kali qua nước tiểu hoặc qua đường tiêu hóa. Mất kali qua đường tiêu hóa thường là do tiêu chảy hoặc nôn kéo dài, lạm dụng thuốc nhuận tràng, đường ruột tắc nghẽn, hoặc nhiễm trùng. Sự dịch chuyển nội bào của kali cũng có thể dẫn đến hạ kali máu nghiêm trọng. Kích thích hệ thần kinh giao cảm, sử dụng insulin, liệt định kỳ có tính chất gia đình và nhiễm độc giáp là một số nguyên nhân gây hạ kali máu [6]. Ung thư biểu mô tế bào gan hoặc ung thư đường mật là nguyên nhân gây tăng calci máu. Loại tăng canxi máu này tương đối dễ điều trị và chỉ cần can thiệp tối thiểu [7]. Nghiên cứu này sẽ là một bằng chứng bổ sung về các khía cạnh khác nhau của rối loạn điện giải ở bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính, giúp bác sĩ có sự điều chỉnh phù hợp trong thực hành lâm sàng. Những rối loạn điện giải trên bệnh nhân xơ gan là một biểu hiện thường gặp và liên quan đến tiên lượng nặng của bệnh nhân xơ gan, song ở nước ta còn ít tác giả nghiên cứu về vấn đề này. Vì vậy chúng tối tiến hành nghiên cứu đề tài: “Thực trạng rối loạn điện giải trên bệnh nhân xơ gan tại Trung tâm Y tế Huyện Thanh Ba” nhằm mục tiêu sau: “Nghiên cứu tình trạng rối loạn điện giải ở bệnh nhân xơ gan tại Trung tâm Y tế Huyện Thanh Ba”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi trung bình trong nhóm nghiên cứu là 53,7 tuổi. Nam chiếm 90,6%, nữ chiếm 9,4%. Hạ Natri máu chiếm 47,2%, và hạ kali chiếm 43,4%, còn tăng kali máu chiếm 5,7%. Không có mối liên quan giữa rối loạn điện giải với mức độ nặng của xơ gan và các biến chứng của xơ gan. Tuy nhiên có 2 ca tử vong có hạ natri máu, và 3 ca tử vong có tăng kali máu.

KẾT LUẬN
Tuổi trung bình trong nhóm nghiên cứu là 53,7 tuổi. Nam chiếm 90,6%, nữ chiếm 9,4%.  Hạ natri máu chiếm 47,2%, và hạ kali máu chiếm 43,4%, còn tăng kali máu chiếm 5,7%. Không có mối liên quan giữa mức điện giải với mức độ nặng của xơ gan và các biến chứng của xơ gan. Tuy nhiên có 2  bệnh nhân tử vong có hạ natri máu, và 3 bệnh nhân tử vong có tăng kali máu.

Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài