SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vắc-xin ngừa ung thư, có thật sự khả thi?

[13/03/2024 10:14]

Vắc-xin, một sáng tạo của loài người, đã đem lại cuộc cách mạng lớn trong lịch sử y học, giúp con người chống chọi với những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như đậu mùa, bại liệt, ho gà…

Sự phát triển của khoa học nói chung và khoa học y/sinh học nói riêng đã tạo ra nhiều lợi thế mới cho các hướng nghiên cứu phát triển vắc-xin ung thư. Sự hiểu biết cặn kẽ và toàn diện của con người về bộ gen của chính mình là một trong những lợi thế lớn để nghiên cứu và  phát  triển  vắc-xin  ung  thư.  Cùng  với  đó,  là  những khám phá mới về miễn dịch, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của hệ thống miễn dịch, sự tương tác giữa các tế bào ra sao, để từ đó tìm cách dạy hệ miễn dịch một cách hiệu quả. Cuối cùng, những công cụ hiện đại của con người hiện nay có thể giúp tổng hợp những vật liệu sinh học (DNA, RNA, protein) một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp đẩy nhanh đáng kể công đoạn nghiên cứu và sản xuất vắc-xin. Ví dụ như vắc-xin COVID-19 được tạo ra từ các sợi RNA tổng hợp đã được đưa ra sử dụng đại trà chỉ trong khoảng 1 năm sau khi đại dịch bùng phát.

Tuy có nhiều sự hỗ trợ của khoa học và kỹ thuật hiện đại nhưng những trở ngại của việc phát triển vắc-xin ung thư vẫn còn đó. Đầu tiên, tế bào ung thư luôn đột biến và thay đổi để trở nên kháng thuốc, chạy trốn hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, không phải sự thay đổi nào của tế bào ung thư cũng có thể làm vắc-xin, vì có thể nó không là một “học cụ” tốt để dạy cho hệ miễn dịch, ví dụ như những đột biến đó tạo ra những protein nằm sâu bên trong hoặc bị che phủ khiến cho tế bào miễn dịch “không dễ nhìn thấy”. Đặc biệt, các vắc-xin ung thư thường được tạo ra dựa trên sự biến đổi đặc trưng của từng loại đột biến gene nên nó thường đặc hiệu trên cá nhân hoặc nhóm nhỏ những người mắc ung thư gần giống nhau. Điều này khiến cho việc phát triển vắc-xin ung thư khó nhắm đến đại trà và có giá thành cao.

Nghiên cứu vắc-xin ung thư đang có nhiều triển vọng trong tương lai để phát triển thành một hướng điều trị ung thư hiệu quả. Các kỹ thuật khoa học hiện đại đang giúp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu để có thể (1) tối ưu hóa việc tìm kiếm các điểm đặc hiệu của tế bào ung thư để tế bào miễn dịch nhận biết tốt hơn;  (2) tìm ra những phương pháp hỗ trợ tế bào miễn dịch học và nhớ hiệu quả  các  kháng  nguyên  ung  thư;  (3)  ứng  dụng  những công  nghệ  mới  để  rút  ngắn  thời  gian  tổng  hợp,  thử nghiệm vắc-xin.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Số 03 - 2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài