SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

So sánh hiệu quả phát sinh phôi vô tính từ các nguồn mẫu in vitro của cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.)

[29/03/2024 16:52]

Nghiên cứu do các tác giả Lê Thị Diễm, Trương Hoài Phong, Hoàng Thanh Tùng, Hoàng Đắc Khải, Vũ Quốc Luận, Đỗ Mạnh Cường, Nguyễn Thị Như Mai, Trịnh Thị Hương, Bùi Văn Thế Vinh, Trần Quế, Dương Tấn Nhựt hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Học viện KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Hạt nhân thực hiện

Sâm Ngọc Linh là một loài sâm đặc hữu của Việt Nam. Đây là một trong những loài sâm có hàm lượng saponin khung dammaran cao nhất (khoảng 12-15%) và lượng saponin triterpen nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax trên thế giới. Năm 2011, sâm Ngọc Linh đã thoát nguy cơ tuyệt chủng nhưng độ an toàn còn thấp và mức độ đe dọa vẫn ở bậc E trong Sách đỏ Việt Nam. Do vậy, nhân giống sâm Ngọc Linh in vitro được cho là phương pháp hiệu quả nhất để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm này.

Hình minh họa (Internet)

Nghiên cứu khảo sát khả năng phát sinh phôi vô tính từ nhiều nguồn vật liệu khác nhau của cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensisHa et Grushv.) được thực hiện nhằm chọn được vật liệu thích hợp cho sự phát sinh phôi trong nuôi cấy in vitro. Trong nghiên cứu này, các mẫu in vitro từ mảnh lá, cuống lá, rễ và các phôi rời ở dạng hình cầu, hình tim và có lá mầm được khảo sát trên môi trường MS bổ sung riêng lẻ hoặc kết hợp 2,4-D (2,4-dichlorophenoxyacetic acid: 0,2, 0,5 và 0,7 mg/l) và TDZ (Thidiazuron: 0,1, 0,3 và 0,5 mg/l). Kết quả cho thấy, tất cả các vật liệu thử nghiệm đều cho phát sinh phôi sau 6 tuần nuôi cấy (100%). Số phôi trung bình trên mẫu mảnh lá (51,00 phôi) trên môi trường tối ưu cao hơn đáng kể so với mẫu cuống lá (29,67 phôi) và mẫu rễ (18,00 phôi). Mẫu phôi hình cầu là nguồn vật liệu thích hợp nhất cho sự phát sinh phôi (68,33 phôi/mẫu) so với các nguồn mẫu cấy khác. Môi trường nuôi cấy có sự kết hợp của 2,4-D và TDZ tăng khả năng tạo phôi thứ cấp ở mẫu phôi hình cầu, kết quả đạt cao nhất tại nồng độ 0,7 mg/l 2,4-D kết hợp với 0,1 mg/l TDZ trong môi trường chứa 0,5 mg/l NAA (1-Naphthaleneacetic acid) (73,33 phôi/mẫu).

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài