SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát hệ phiêu sinh thực vật tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư - tỉnh An Giang

[30/04/2024 13:10]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Võ Châu Ngân, Lê Văn Dũ, Trần Thị Kim Hồng, Nguyễn Công Thuận, Kim Lavane - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm đánh giá thành phần phiêu sinh thực vật tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư theo mùa.

Ảnh minh họa

Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, có diện tích 845 ha là một trong các sinh cảnh tự nhiên và bán tự nhiên tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Có tọa độ địa lý từ 10033’ đến 10036’ độ vĩ Bắc, Từ 105002’ đến 105004’ độ kinh Đông, rừng tràm Trà Sư giáp với kênh Trà Sư về phía Tây, các mặt còn lại giáp với ruộng lúa của các xã Văn Giáo, Vĩnh Trung của huyện Tịnh Biên, và xã Ô Long Vĩ của huyện Châu Phú (Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng II, 2004). Rừng tràm Trà Sư có ý nghĩa lớn về mặt môi trường như điều hòa khí hậu, duy trì tính ổn định và màu mỡ của đất; hạn chế lũ lụt, hạn hán; bảo tồn nguồn nước và là môi trường sống cho nhiều loài động vật và thực vật. Kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng tràm Trà Sư năm 2015 ghi nhận, diện tích đất có rừng là 710,28 ha (chiếm 84,14%  tổng diện tích), toàn bộ là rừng tràm (Melaleuca cajuputi Powell) - loại cây lâm nghiệp đặc trưng của vùng đất ngập nước úng phèn ở ĐBSCL; diện tích đất chưa có rừng là 133,86 ha (chiếm 15,86% tổng diện tích) gồm 61,93 ha đất trống có cây bụi mọc rải rác, các trảng cỏ phân bố rải rác trong các phân khu chức năng và 71,93 ha đất khác gồm kênh rạch, bờ bao, khu hành chính (Chi  cục Kiểm lâm An Giang, 2016).

Bảo tồn sinh cảnh tự nhiên của các khu rừng tràm ở ĐBSCL nói chung khá khó khăn khi hàng năm có đến 6 tháng mùa khô có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái rừng, thậm chí có nguy cơ cháy rừng. Để đối phó với những nguy cơ tiêu cực trên, các ban quản lý rừng có định hướng đắp đê bao giữ nước trong khu vực rừng vào mùa khô. Lớp nước ngập trên mặt đất rừng khoảng 50 cm sẽ giúp giữ ẩm cho tầng đất mặt và giảm thiểu nguy cơ cháy rừng (Bảo, 2011). Tuy nhiên, việc giữ nước trong 6 tháng mùa khô và cho trao đổi nước trong 6 tháng mùa mưa có khả năng làm thay đổi chất lượng nguồn nước trong thủy vực, kéo theo hệ thực vật nổi cũng thay đổi (Truyen et al., 2014).

Đợt khảo sát năm 2011 đã tiến hành tại 6 vị trí trong rừng Trà Sư và đã ghi nhận được 79 loài tảo thuộc 6 ngành tảo (Đăng và ctv., 2011). Đây là thời điểm trước khi Ban quản lý rừng áp dụng mô hình giữ nước phòng chống cháy cho rừng Trà Sư. Việc giữ nước phòng chống cháy rừng ở  rừng Trà Sư bắt đầu từ năm 2012 (Hòa, 2016) có thể gây ra một số biến động về hệ sinh thái cũng như quần thể động vật và thực vật bản địa. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá lại sự hiện diện của các nhóm ngành tảo trên các thủy vực trong rừng sau khi áp dụng mô hình quản lý nước mới. Kết quả khảo sát sẽ là tiền đề cho các nghiên cứu về rừng tràm Trà Sư trong tương lai khi quy hoạch thành khu du lịch sinh thái.

Mẫu phiêu sinh thực vật được xác định bằng phương pháp định tính và định lượng tại 20 vị trí đại diện cho các vùng sinh thái trong rừng. Đợt khảo sát mùa khô ghi nhận 119 loài thuộc 6 ngành, trong đó ngành tảo lục chiếm tỉ lệ cao nhất (34%), kế đến là tảo silic (29%), tảo mắt (24%), vi khuẩn lam (8%), Tảo giáp (4%), và thấp nhất là tảo vàng kim (1%). Đợt khảo sát vào mùa mưa ghi nhận 132 loài thuộc 6 ngành tảo, trong đó ngành tảo lục và tảo silic chiếm ưu thế với 29% tổng số loài khảo sát. Các ngành tảo đều có thành phần loài tăng trong mùa mưa, trong đó ngành tảo lục tăng cao nhất với 14 loài, kế đến là tảo silic với 12 loài. Số lượng loài tảo ghi nhận trên hệ thống kênh bên trong rừng đa dạng và nhiều hơn 21 loài so với kênh bên ngoài rừng. Mật độ tảo tại các điểm thu mẫu có sự khác biệt lớn trong hai mùa, theo đó, vào mùa khô, mật độ tảo từ 154 tế bào/L đến 53.020 tế bào/L, vào mùa mưa, mật độ tảo từ 360 tế bào/L đến 29.830 tế bào/L.

Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số1A (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài