SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của độ mặn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của vọp (Geloina coaxans)

[31/03/2024 12:42]

Nghiên cứu do các tác giả Ngô Thị Thu Thảo, Lê Quang Nhã, Thị Hoàng Kiến – Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của vọp trong điều kiện nuôi trong bể.

Vọp (Geloina  coaxans) là loài nhuyễn thể có kích cỡ thương phẩm lớn, ngày càng  được  ưa chuộng do hàm lượng protein cao và chất lượng thịt thơm ngon (Ismail, 2015). Vọp còn được biết tới với tên gọi nghêu rừng đước, nghêu bùn hay vọp sông. Thời  gian  gần đây, cùng với nhiều nguồn lợi  thủy sản khác, sản lượng vọp tự nhiên ngày càng giảm do mất không gian sinh tồn và khai thác quá mức. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu cao của  thị trường, nghề nuôi vọp đã xuất hiện với nhiều hình thức nuôi khác nhau như: nuôi vọp dưới tán rừng ngập mặn, nuôi ven sông, nuôi trong ao đất, nuôi kết hợp với tôm nước  lợ... Đồng  thời, vọp cũng có khả năng lọc nước rất tốt khi cho nuôi kết hợp. Ngoài ra, để tận dụng khả năng lọc của vọp,đã có thí nghiệm sử dụng vọp để lọc chất thải trong nuôi tôm (Trai, 2015). Do nghề nuôi vọp đang phát triển với nhiều hình thức nuôi khác nhau và phần lớn nguồn con giống được thu gom ngoài tự nhiên chưa đáp ứng nhu cầu con giống cho nghề nuôi (Thảoet al., 2019).

Nhiều nghiên cứu về đặc điểm phân bố, hình thái, sinh sản của vọp đã được công bố trên thế giới cũng  như ởViệt  Nam, các nghiên cứu phần lớn thường tập trung vào đặc điểm sinh sản (Thảo et al., 2018; Thảo et al., 2019), phân bố và đặc điểm hình thái,  những nghiên cứu liên quan đến  giai  đoạn giống thì còn hạn chế. Một trong những yếu tốmôi trường quan trọng cần được làm rõ trong quá trình ương vọp giống là tác động  của độmặn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của vọp và tìm ra độmặn phù hợp đểương ấu trùng, ương giống và nuôi loài động vật thân mềm hai mảnh vỏnày. Theo Cường (2018), vọp phân bố ở huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) là vùng có độ mặn thấp dao động từ 0 đến  4,3‰, tuy nhiên thực tế ghi nhận có một  số thời điểm và một  số địa điểm ở tỉnh Kiên Giang có độ mặn lên đến 10‰ nhưng vẫn tìm thấy vọp phân bố. Nghiên cứu ảnh hưởng của độ mặn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của vọp Geloina coaxans được thực hiện nhằm xác định độ mặn thích hợp cho quá trình nuôi và cung cấp thêm thông tin về đặc điểm môi trường sống của đối tượng này. Kết quả của nghiên cứu có thể ứng dụng trong thực tế nhằm nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình ương giống và nuôi vọp thương phẩm.

 Vọp giống được thu từ huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang và sau đó được chuyển về phòng thí nghiệm Động vật Thân mềm của Khoa Thủy  Sản, trường Đại học Cần Thơ. Vọp giống được thu ở nơi có độ mặn 10‰. Trước khi bố trí thí nghiệm, vọp giống được thuần và giữ trong bể nhựa với các độ mặn tương ứng của từng nghiệm thức là 1, 5, 10  và 15‰ (tốc độ thuần hóa 1‰/ngày).

Nước ngọt được lấy từ nước máy, nước ót có độ mặn từ 80 đến 100‰ được mua từ ruộng muối Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Nước trước khi cấp vào bể nuôi sẽ được xử lý bằng Chlorine nồng độ 20 ppm trong  24  giờ, sau đó  được  trung  hòa  bằng Thiosulphate và lọc qua túi lọc 5 μm. Sau đó pha nước có độ mặn theo từng nghiệm thức 1, 5, 10 và 15‰ .

Loại bùn dùng để sử dụng trong thí nghiệm là bùn sét, được lấy từ huyện U Minh Thượng,  tỉnh Kiên Giang nơi thu vọp, trước khi thí nghiệm đã được phơi và lọc để loại bỏ rác thải.

Thức ăn sử dụng để nuôi vọp bao  gồm  tảo  lục Chlorellavà tảo khuê Chaetoceros calcitrans. Tảo Chlorella được thuầnhóa với độmặn tương ứng các nghiệm  thức  là  1,  5,  10và15‰. Cá  rô  phi  vằn (Oreochromisniloticus) được nuôi trong hệ thống nước xanh, có kích cỡ từ 20-30 con/kgvớimật độ thả cá là 40 con/bể 1m3. Cá được cho ăn 2 lần/ngày (sáng 8 giờvà chiều 14 giờ), cho ăn 3% khối lượng thân, bằng thức ăn viên có hàm lượng đạm 30%. Sau 5-7 ngày nuôi, tảo sẽ xuất hiện và phát triển. Nếu tảo Chlorella đạt mật độ105-106 tế bào/mL thì tiến hành thu cho vọp ăn. Tảo Chaetoceros  calcitrans được nuôi trong các bìnhthủy tinh có thể tích 10L.Thể tích nước nuôi tảo là 6L, có độ mặn 20‰, đã được xử lý  và  cấp vào  các bình nuôi.  Dung dịch dinh dưỡng nuôi tảo là dung dịch  Walne  (10mL),  Silic (30mL) và Vitamin (1mL). Cô đặc tảo bằng phương pháp lắng, bảo quản ở nhiệt độ 2 – 4oC để sử dụng làm thức ăn cho vọp.

Sau 105 ngày nuôi, tỷ lệ sống của vọp ở các độ mặn 5, 10 và 15‰ đạt cao nhất (100%), thấp nhất ở độ mặn 1 ‰ (92,2%). Tăng trưởng của vọp đạt tốt nhất ở độ mặn 5‰ và 10‰, tăng trưởng khối lượng và chiều dài tại 2 nghiệm thức này tương ứng với SGRW từ 0,34 đến 0,37%/ngày, SGRL từ 0,11 đến 0,14%/ngày, khác biệt có ý nghĩa so với kết quả từ độ mặn 1 và 15‰.

Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 3A (2023) (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài