SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm hình thái và ra hoa, làm quả của một số mẫu giống Đương quy Nhật Bản

[05/04/2024 14:04]

Thực hiện nghiên cứu này, góp phần chọn tạo giống Đương quy Nhật Bản thích hợp với điều kiện Việt Nam, chủ động nguồn giống tốt phục vụ phát triển sản xuất nguyên liệu dược.

Đương quy Nhật Bản có tên khoa học Angelica acutiloba (Sieb. et Zucc.) Kitagawa thuộc họ Hoa tán là dược liệu có tác dụng bồi bổ, có vị ngọt cay tính ôn, bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, dưỡng gân, tiêu sưng, nhuận tràng, thuốc đầu vị chữa các bệnh của phụ nữ, đồng thời dùng nhiều trong các đơn thuốc bổ và thuốc chữa các bệnh khác như: Tác dụng lên cơ trơn: làm cho ruột trơn và có thể chữa táo bón, làm giảm xung huyết vùng xương chậu do đó làm giảm đau khi kinh nguyệt.  Một số tác giâ Nhật Bản đã chứng minh tinh dầu Đương quy có tác dụng chấn chỉnh hoạt động của đại não, thiếu máu, xuất huyết. Các nghiên cứu mới đåy cho thấy, Đương quy Nhật Bản có tác dụng hỗ trợ trong điều trợ suy giảm nhận thức.

Ảnh minh họa

Cho đến nay, chưa tìm thấy Đương quy mọc tự nhiên trong hệ thực vật Việt Nam. Cây Đương quy trồng trong sản xuất hiện nay được nhập từ Nhật Bản từ những năm 1990. Do nhu cầu sử dụng cao, diện tích trồng Đương quy ngày càng được mở rộng. Hiện nay, diện tích trồng lên tới hàng trăm hecta tại các vùng sinh thái khí hậu mát mẻ như Sapa, Bắc Hà - Lào Cai và các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu tuyển chọn giống chưa được đề cập, nhiều năm qua, giống Đương quy Nhật Bản có biểu hiện thoái hoá, tỷ lệ cây ra hoa năm thứ nhất tăng dần, chất lượng hạt giống giảm.

Năm mẫu giống Đương quy Nhật Bản thu thập tại một số tỉnh và được trồng thử nghiệm tại Sapa - Lào Cai từ năm 2018 đến 2020. Thí nghiệm bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ, 3 lần nhắc lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Đương quy Nhật Bản trồng tại Việt Nam đa số thân có màu tím, tỷ lệ cây ra hoa năm thứ nhất của các mẫu giống là 5-10%. Sang năm thứ 2, 589-600 ngày sau trồng, tỷ lệ cây ra hoa khoảng từ 90-95%. Đương quy Nhật Bản ra hoa theo thứ tự các cấp tán từ thấp đến cao. Thời gian từ ra hoa đến khi bắt đầu thu hạt của tất cả các mẫu giống khoảng 60 ngày. Mẫu giống VT-ĐQ02, thu thập tại Sapa có khả năng tích luỹ chất khô cao, tỷ lệ cây ra hoa năm 1 thấp nhất, khả năng kết hạt cao, khối lượng 1.000 hạt đạt 4,1g. Năng suất cá thể 64,57 g/cây và năng suất hạt đạt 129,14 kg/ha.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 1, năm 2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài