SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của lan quế trắng (Aerides odorata Lour.) tại Gia Lâm - Hà Nội

[06/04/2024 18:58]

Lan Quế trắng (Aerides odorata Lour.) thuộc chi Lan Giáng hương (Aerides), có hoa màu trắng xanh với hương thơm mùi quế đặc trưng, là loại cây cảnh được ưa chuộng và còn có giá trị dược liệu. Các nhà tác giả Phùng Thị Thu Hà, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thúy Hạnh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết đây là nghiên cứu chi tiết đầu tiên về đặc điểm thực vật học, đặc điểm sinh trưởng của Lan Quế trắng, làm cơ sở nhận biết và là tiền đề cho các nghiên cứu bảo tồn, nhân giống, lai tạo và chọn giống.

Lan Quế trắng (Aerides odorata Lour.) thuộc chi Lan Giáng hương hay còn gọi là chi Lan Đuôi cáo (Aerides) của họ Lan (Orchidaceae). Chi Lan Giáng hương có khoảng 21 loài, phân bố chủ yếu ở châu Á nhiệt đới như Ấn Độ, Nepal, phía Nam Trung Quốc, Đông Nam Á, Philippines và New Guinea (Kocyan & cs., 2008). Chi Lan Giáng hương được biết đến có cụm hoa đẹp với hương thơm, rất được ưa chuộng trên thị trường để làm hoa cắt cành và trồng chậu (Kishor & cs., 2006), ngoài ra Lan Giáng hương còn có công dụng làm thuốc (Paraste & cs., 2023; Thapa & cs., 2022; Katta & cs., 2019). Tại Việt Nam, Bùi Xuân Đáng (2017) đã ghi nhận 7 loài của chi Lan Giáng hương, phần lớn phân bố tại Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái, Tam Đảo, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bù Đốp, Nam Cát Tiên, Tây Ninh, Phú Quốc. Lan Quế đã được đưa vào danh mục Cites 2016, 2017 các loài cần bảo tồn do khu vực phân bố tự nhiên bị hạn chế (Bùi Xuân Đáng, 2017). Trong chi Lan Giáng hương thì màu trắng tím hồng là phổ biến, ngoài ra còn có màu trắng nên được gọi tên là Lan Quế trắng.

Thí nghiệm được bố trí theo khối tuần tự không lặp lại. Theo dõi trên 30 cây Lan Quế trắng. Đặc điểm hình thái vi phẫu được nghiên cứu khi cây giai đoạn ra hoa theo phương pháp của Trần Công Khánh (1981) và Nguyễn Nghĩa Thìn (2007). Mẫu rễ, thân, lá được cắt mỏng bằng dao lam, nhuộm kép và làm tiêu bản tạm thời. Phương pháp nhuộm kép nhằm phân biệt được tế bào có màng bằng cellulose (bắt màu đỏ của thuốc nhuộm carmine) và tế bào có màng thấm lignin (bắt màu xanh của thuốc nhuộm methylene blue) (Trần Công Khánh, 1981; Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007). Mẫu được quan sát và chụp ảnh tiêu bản dưới kính hiển vi Nikon YS100 (Nhật Bản) tại Bộ môn Thực vật, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Các chỉ tiêu theo dõi:

Các chỉ tiêu về thời gian (ngày): Các chỉ tiêu về thời gian được ghi nhận khi cây bắt đầu xuất hiện mầm hoa, 50% số cây xuất hiện mầm hoa, 70% số cây xuất hiện mầm hoa, cây bắt đầu nở hoa, 50% số cây nở hoa, 70% số cây nở hoa, cây kết thúc ra hoa.

Các chỉ tiêu sinh trưởng được định kỳ theo dõi 2 tháng/lần sau 3 tháng ghép gỗ, bao gồm: Chiều cao cây (cm): đo từ gốc đến mút lá cao nhất, đường kính thân (cm): dùng thước kẹp pamel đo ở vị trí lớn nhất của thân, kích thước tán (cm): đo vị trí rộng nhất của tán, số lá (lá/cây): đếm tổng số lá trên cây, kích thước lá (cm): chiều dài phiến lá được đo từ gốc lá đến chóp lá, chiều rộng lá được đo ở vị trí rộng nhất của phiến lá, số rễ (rễ/cây): đếm tổng số rễ hình thành trên cây, đường kính rễ (cm): dùng thước kẹp pamel đo vị trí to nhất của rễ, chiều dài rễ (cm): đo từ vị trí sát thân (nơi hình thành rễ) đến chóp rễ.

Các chỉ tiêu về chất lượng hoa được theo dõi khi cây xuất hiện chồi hoa bao gồm: Chiều dài cụm hoa (cm): đo từ vị trí sát thân (nơi hình thành chồi hoa) đến đỉnh cụm hoa, số hoa/cụm: đếm tổng số hoa trên cụm, đường kính hoa (cm); dùng thước pamel đo đường kính hoa khi hoa nở căng, độ bền 1 hoa (ngày): tính từ khi hoa nở đến khi hoa tàn, độ bền cụm hoa (ngày): tính từ khi hoa đầu tiên trong cụm nở đến khi hoa cuối cùng của cụm tàn.

Các chỉ tiêu theo dôi được thống kê trên ít nhất 30 mẫu quan sát và đo đếm.

Kết quả cho thấy: Lan Quế trắng có rễ bì sinh gồm đầu rễ và miền hấp thụ có màu sắc khác biệt với 19,3 bó dẫn/rễ. Thân màu xanh với 192,2 bó dẫn sắp xếp rải rác, kích thước 0,17-0,2 X 0,25-0,27mm. Vi phẫu lá có mô đồng hóa hình tròn và bầu dục, bó mạch gân bên nằm ở chính giữa phiến lá và bó mạch gân chính nằm ở 1/3 phiến lá về phía biểu bì dưới, bó dẫn gân chính có kích thước 0,19 X 0,25mm. Cụm hoa chùm, dài 20-42cm, rủ xuống, mang 15-36 hoa/cụm, đường kính hoa 2,8-3,5cm. Cụm hoa xuất hiện cuối tháng 7 đến tháng 8, nở hoa tháng 9 và kết thúc ra hoa đầu tháng 11 với 1 -2 cụm/cây, độ bền 1 hoa từ 10-13 ngày, độ bền cụm hoa từ 25-35 ngày.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Số 11 - 2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài