SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu nhân in vitro dạ yến thảo hoa tím (Petunia hybrids Hort.)

[06/04/2024 19:26]

Dạ yến thảo hoa tím (Petunia hybrida Hort.), thuộc họ Cà (Solanacea), là cây hoa trồng chậu phổ biến, có giá trị cao, hiện đang được thị trường ưa chuộng. Do đó, các tác giả Phạm Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phùng Thị Thu Hà - Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiến hành nghiên cứu nhân giống in vitro cây Dạ yến thảo hoa tím được thực hiện bởi để có thể sản xuất số lượng lớn cây giống sạch bệnh, chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Dạ yến thảo (Petunia hybrida Hort.), thuộc họ Cà (Solanaceae), là loài cây thân thảo, cao từ 0,3-1m, với hình thái và màu sắc hoa đa dạng, cây sai hoa, ra hoa quanh năm (Phạm Hoàng Hộ, 2000). Dạ yến thảo có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới của Nam Mỹ và được lan rộng sang các nước có khí hậu tương tự. Tại Việt Nam, Dạ yến thảo là một trong những cây hoa trồng chậu phổ biến được trồng để trang trí cảnh quan sân vườn, đường phố.

Hiện nay, Dạ yến thảo thường được trồng từ hạt hoặc giâm cành. Tuy nhiên, theo Bùi Thị Cúc & cs. (2017) hạt Dạ yến thảo có tỷ lệ nảy mầm không cao (60%), hơn nữa cây giâm cành có sức sống yếu và nhanh tàn hơn cây gieo hạt. Ngoài ra, hệ số' nhân giống bằng phương pháp giâm cành thấp (Bùi Thị Cúc & cs., 2017). Vì vậy, nguồn cung cây giống Dạ yến thảo hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, phương pháp nhân giống vô tính bằng nuôi cấy mô tế bào thực vật (in vitro) cho cây con sạch bệnh, giữ nguyên đặc tính của cây mẹ. Cây con đồng nhất về mặt di truyền nên chất lượng cây giống đồng đều. Ngoài ra, phương pháp nhân giống in vitro có hệ số nhân giống cao nên giá thành cây giống thấp hơn các phương pháp nhân giống truyền thống khác.

Các môi trường nuôi cấy in vitro được điều chỉnh về pH = 5,8 và được hấp khử trùng ở 121°C trong 20 phút, áp suất 1,1atm. Đối với các thí nghiệm in vitro, mẫu được nuôi cấy ở điều kiện nhiệt độ phòng 25°C ± 1°C, độ ẩm 70-75%, ánh sáng có cường độ 2.000Lux, chu kỳ chiếu sáng là 10h sáng/14h tối. Thí nghiệm ở giai đoạn vườn ươm được thực hiện dưới ánh sáng tự nhiên, trong nhà lưới có mái che nilon trắng.

Các thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên (RCD) với ba lần nhắc lại. Nghiên cứu đã xác định được môi trường Murashige and Skoog (MS) đặc bổ sung 0,5 mg/l BA là thích hợp nhất để nhân chồi Dạ yến thảo hoa tím, với hệ số nhân chồi đạt 19,78 chồi/mẫu, chiều cao chồi đạt 2,36cm sau 6 tuần nuôi cấy. Môi trường phù hợp nhất để dưỡng chồi là MS đặc bổ sung 40 g/l sucrose, cho chồi mập, xanh, lá to. Kết quả cũng cho thấy môi trường phù hợp cho giai đoạn ra rễ và thích nghi ngoài vườn ươm là MS đặc bổ sung 0,1 g/l than hoạt tính (AC), với tỷ lệ ra rễ đạt 100%, cây ra ngôi có 12,83 rễ/cây, chiều dài rễ đạt 2,28cm, rễ trắng, dài, mập. Sau 2 tuần thích nghi ngoài vườn ươm, cây con có nguồn gốc từ môi trường ra rễ MS đặc bổ sung 0,1 g/l AC có tỷ lệ sống đạt 100% với chiều cao cây đạt 6,47cm, số lá đạt 15,07 lá/cây.

Kết quả của nghiên cứu bước đầu xây dựng quy trình nhân giống in vitro cây Dạ yến thảo hoa tím nhằm mục đích sản xuất cây giống với số lượng lớn, chất lượng cao và ổn định để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 11 – 2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài