SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học: Sớm tháo gỡ các rào cản

[12/04/2024 07:54]

Hiện nay, các trường đại học công lập đang có nhu cầu rất lớn về việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tạo ra nguồn tài chính bền vững. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp nhiều rào cản, cần sớm được tháo gỡ.

khoa-hoc.jpg

Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Còn hạn chế so với tiềm năng: Trong bối cảnh xu hướng tự chủ của các trường đại học đang trở nên phổ biến, việc nâng cao tự chủ tài chính trở thành một thách thức không nhỏ. Các trường phải tối ưu hóa hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tạo nguồn tài chính ổn định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động này tại các trường đại học vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và thương mại hóa vẫn còn hạn chế so với tiềm năng. Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, mỗi năm, các trường đại học đóng góp khoảng 16.000 kết quả nghiên cứu, chiếm 80% tổng số kết quả nghiên cứu của cả nước. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% kết quả này được chuyển giao và thương mại hóa.

Tập trung giải quyết các nút thắt: Trong quá trình đẩy mạnh tự chủ, việc phát triển hoạt động chuyển giao công nghệ và thúc đẩy doanh nghiệp trong các trường đại học là một xu hướng được nhiều trường hướng đến. Tuy nhiên, hoạt động này đang đối mặt với nhiều rào cản. PGS.TS Đinh Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định rằng, ngoài những vấn đề về môi trường pháp lý bên ngoài hệ thống giáo dục đại học, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Hiện tại, một điểm mâu thuẫn là doanh nghiệp cần công nghệ trong khi các trường đại học sở hữu kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, nhưng gặp khó khăn trong việc hợp tác do sự không đồng bộ giữa các quy định pháp lý trong nhiều lĩnh vực như Luật Giáo dục đại học, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, vv.

Đặc biệt, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học bằng ngân sách nhà nước đã gây ra rào cản cho việc chuyển giao công nghệ, khiến cho công nghệ gần như "đứng im", không thể tiếp cận doanh nghiệp. Theo nghị định này, kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tài trợ từ ngân sách trên 30% sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và không được chuyển giao cho doanh nghiệp mà không có sự chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền.

PGS.TS Đinh Văn Toàn cũng chỉ rõ rằng, để tuân thủ quy định của Nhà nước về việc "mua đứt" công nghệ cũng rất phức tạp, do khó khăn trong việc định giá sản phẩm trí tuệ. Ngay cả Nghị định số 109/2022/NĐ-CP về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học cho phép cơ sở giáo dục đại học góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để liên doanh, liên kết,... nhưng trong thực tế, chưa thể thực hiện do thiếu các cơ chế cụ thể về định giá và triển khai về mặt tài chính, tài sản.

Ngoài ra, các trường đại học cũng cần tạo ra một hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra sức ấn định trong từng cá nhân và đơn vị, đồng thời cũng cần tăng cường nghiên cứu mang tính ứng dụng và kết nối với thị trường, nâng cao năng lực quản trị và điều hành.

https://hanoimoi.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài