SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giúp doanh nghiệp và địa phương tự tin hội nhập

[15/01/2016 09:49]

Nhà nước đã chủ động, tích cực tham gia hội nhập với những đối tác lớn nhất, năng động nhất trên thế giới, các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tâm thế tự tin như vậy.

“Đừng quên lợi thế tương đối. Mỹ chắc chắn làm được cái áo tốt hơn, đẹp hơn Việt Nam, nhưng họ dồn sức sản xuất máy bay Boeing và so với họ, Việt Nam có lợi thế tương đối khi làm dệt may. Vĩnh Long hay Bến Tre cũng vậy khi so sánh với các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam. Doanh nghiệp và cả chính quyền phải có khát vọng và phải tự tin”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chia sẻ tại các hội thảo vừa diễn ra tại hai địa phương nói trên.

“Biến thách thức thành cơ hội: Doanh nghiệp Việt Nam trước những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” là chủ đề của loạt hội thảo do Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với UBND các địa phương và Công ty cổ phần Tri thức Doanh nghiệp quốc tế tổ chức. Sau hội thảo tại TPHCM, các sự kiện tiếp tục được tổ chức tại Vĩnh Long ngày 12/1 và Bến Tre ngày 13/1.

Không có gì ngạc nhiên khi các hội thảo đều nhận được sự quan tâm cao của chính quyền và doanh nghiệp các địa phương này, với sự tham dự của cả lãnh đạo cấp huyện, các sở, ngành cùng hàng trăm doanh nghiệp. Vĩnh Long hiện mới có gần 2.700 doanh nghiệp, con số này ở Bến Tre cũng chỉ nhỉnh hơn chút ít, khoảng 2.900.

Nếu như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu muốn hội thảo đưa ra những gợi ý để giúp địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời “đánh thức” doanh nghiệp về hội nhập, thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cũng kỳ vọng hội thảo sẽ giúp cơ quan quản lý và các doanh nghiệp nắm bắt thêm thông tin về hội nhập, nhà quản lý có cái nhìn toàn diện khi xây dựng chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp hơn.

“Ngành khó nhất vẫn có cửa sống”

Tại các hội thảo, các diễn giả như TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; CEO Đặng Đức Thành, Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm CLB các nhà kinh tế (VEC) đã chia sẻ, trực tiếp giải đáp các câu hỏi từ các doanh nghiệp về những vấn đề nóng đang được rất quan tâm trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là về những cơ hội, thách thức. 

Theo TS. Võ Trí Thành, với những hiệp định như TPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, có vô số cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn trong lĩnh vực dệt may, việc hạ thuế suất xuất khẩu vào Mỹ, EU từ hàng chục % xuống còn 0% thực sự là “của trời cho” với doanh nghiệp và ông Thành tin chắc tới năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt mức 45 tỉ USD, so với mức hơn 27 tỉ USD hiện nay.

Tuy nhiên, sẽ là quá hạn hẹp nếu chỉ nói đến cơ hội xuất khẩu và lời khuyên của Phó Viện trưởng là dù mảng sản xuất rất quan trọng nhưng cũng đừng quên mảng tiêu dùng. “Riêng một nhà máy của Samsung đã cần tới 2.000 vệ sĩ, rồi nhu cầu hàng chục nghìn suất ăn mỗi ngày. Tôi vẫn nói đùa là chỉ cần bán... đậu phụ cho Samsung thôi cũng đủ trở thành đại gia rồi. Đấy cũng là xuất khẩu tại chỗ. Rồi rất nhiều ngành nghề mới nổi lên, như Uber, Grab taxi, công nghệ thông tin… Mọi doanh nghiệp chúng tôi khảo sát đều ủng hộ hội nhập, kể cả những ngành khó khăn nhất”, ông Thành nói.

Thậm chí, ngay cả với những ngành khó khăn như chăn nuôi, chúng ta vẫn có “cửa sống” nếu biết cách, TS. Võ Trí Thành khẳng định và nhắc đến thành công của một doanh nghiệp nhập bò non Mỹ, Australia…, nuôi và bán bò thịt cho thị trường Việt Nam, hiện lên tới vài trăm con mỗi tháng.

Thực tế, có lẽ không nhiều doanh nghiệp có thể đọc hết toàn văn 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, chỉ riêng TPP đã hàng nghìn trang. Trước các doanh nghiệp, các vị diễn giả đã chỉ ra không ít nội dung rất đáng chú ý tại các hiệp định này. Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ trong nhiều hiệp định rất nghiêm ngặt, nhưng vẫn có những linh hoạt, ví dụ nếu may túi xách thì nguyên liệu da không cần đáp ứng nguyên tắc xuất xứ, chỉ cần chỉ khâu đáp ứng thì sản phẩm vẫn được hưởng ưu đãi.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên bằng lòng với việc “lách” như vậy mà nên lấy ngắn nuôi dài, cần đầu tư cho tương lai để đáp ứng được những chuẩn mực khắt khe hơn, ưu đãi cao hơn”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ. Đặc biệt, ông Thành lưu ý Bến Tre nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung cần đặc biệt chú ý đến vấn đề chỉ dẫn địa lý nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh.

Không chỉ đề cập những vấn đề vĩ mô mang tính lý thuyết, trên cơ sở những bài học thành công và thất bại của doanh nghiệp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, các vị diễn giả còn chia sẻ, gợi mở câu trả lời cho những vấn đề cụ thể về lợi thế địa phương, nguồn vốn, nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường, chiến lược kinh doanh, kỹ năng quản trị…, mà đại diện các doanh nghiệp đặt ra.

Quan trọng nhất là củng cố đội ngũ doanh nghiệp

Về phía chính quyền, CEO Đặng Đức Thành nhấn mạnh yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp cũng như tỉ lệ doanh nghiệp so với số dân tại Bến Tre hay Vĩnh Long đều còn rất ít. “Trong hội nhập, quan trọng nhất là củng cố đội ngũ doanh nghiệp một cách bài bản. Tại sao TPHCM là đầu tàu kinh tế, đóng góp tới 1/3 thu ngân sách cả nước? Đơn giản thôi, vì họ có tới 140.000 doanh nghiệp, chiếm 1/3 cả nước”, ông Thành phân tích.

Lấy ví dụ Thái Lan có 60 triệu dân mà có tới 3 triệu doanh nghiệp, trong khi Việt Nam với dân số 90 triệu người mà chỉ có gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, ông Thành cho rằng, địa phương cần có một nghị quyết về phát triển doanh nghiệp, với sự xắn tay vào cuộc của các sở, ngành.

Phát biểu đề dẫn các hội thảo, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo nhấn mạnh rằng năm 2015, bên cạnh những thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, còn ghi nhận những dấu ấn đậm nét về cải cách thể chế và hội nhập - hai động lực được coi là quan trọng nhất và sẽ phát huy ảnh hưởng lâu dài với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành và quyết liệt triển khai các Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất ASEAN.

Với đà cải cách mạnh mẽ đó, chưa bao giờ tiếng nói của doanh nghiệp được lắng nghe như hiện nay và trong bối cảnh đó có vai trò của Cổng TTĐT Chính phủ. Việc tổ chức các hội thảo về hội nhập là một trong những hành động cụ thể và trực tiếp của Cổng TTĐT Chính phủ trong nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ được giao. Thông qua các hội thảo, không chỉ nhằm giúp doanh nghiệp và các cấp chính quyền có thêm thông tin về hội nhập, về cải cách, mà còn để tiếp nhận ý kiến phản biện chính sách, qua đó góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, làm giàu của người dân.

“Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần xây dựng được 2 triệu doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt, kinh doanh hiệu quả, là lực lượng chủ công xây dựng và phát triển kinh tế bền vững. Riêng với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi cho rằng chỉ có thể phát huy được lợi thế lớn nhất của vùng - lợi thế nông nghiệp, nếu có sự tham gia tích cực, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Vi Quang Đạo chia sẻ.

“Cổng TTĐT Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục là cầu nối hiệu quả và thuận lợi giữa Chính phủ, các cơ quan Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần xây dựng và thực thi chính sách hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, giải phóng được những tiềm lực lớn của người dân và của cả nền kinh tế”, ông Vi Quang Đạo nhấn mạnh.

Theo các diễn giả, hội nhập không chỉ là cơ hội mà thực sự mang đến vận hội mới cho cả nền kinh tế và cho từng doanh nghiệp. Để tận dụng được cơ hội ấy, biến thách thức thành cơ hội, các địa phương cần quán triệt tinh thần của Chính phủ trong việc quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Điều quan trọng cần có trước tiên trong hội nhập là tinh thần tấn công, không được sợ. Lập luận của Chính phủ là Thái Lan làm được thì Việt Nam cũng làm được. Vậy các tỉnh, thành khác làm được thì Vĩnh Long, Bến Tre cũng làm được”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ với doanh nghiệp và lãnh đạo các địa phương.

Theo chinhphu.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài