SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nông dân sáng chế “theo đơn đặt hàng của cuộc sống”

[05/08/2011 07:38]

(Tamnhin.net) - Những thiết bị phục vụ công việc đồng áng, chăn nuôi, sinh hoạt gia đình, bảo vệ hoa màu… được nông dân làm ra theo “đơn đặt hàng của cuộc sống”. Điều này cho thấy tiềm năng sáng tạo to lớn của con người Việt Nam. Tuy nhiên, từ đây cũng nảy sinh câu hỏi về mối quan hệ giữa các nhà khoa học, cơ sở sản xuất công nghiệp và người nông dân.

Nông dân tài năng…

Thái chuối, băm bèo vừa ngứa tay, mệt mỏi vừa không kịp thỏa mãn cơn đói của đàn lợn háu ăn thì nghĩ ra máy băm bèo, thái chuối. Với giá từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng trong một giờ đồng hồ, một chiếc máy nom gọn gang, xinh xinh có thể thái 2 - 3 tạ bèo hoặc rau, cỏ. Không thể trông chờ vào máy bơm khổng lồ của hợp tác xã thì nghĩ đến việc cải tiến kỹ thuật để làm ra những chiếc máy bơm vừa có công suất đủ mạnh để hút nước từ mương lên ruộng mà không quá nặng nề, cồng kềnh. Đây là sản phẩm của doanh nghiệp Thiên Thuận của “nhà sáng chế nông dân” Nguyễn Như Lĩnh ở xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Thiên Thuận có nghĩa là “nghìn cái thuận”, trong đó có “thuận lòng dân” vì giá cả phù hợp với túi tiền mỏng của con nhà nông và thuận vận chuyển, mang vác trong điều kiện bờ ruộng mảnh “như sợi chỉ”.
Máy rửa bát là vật dụng quen thuộc của các bà nội trợ nhiều nước trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn, nó là vật xa xỉ. Bởi giá quá cao, lại vừa tốn nước, tốn điện. Riêng bà Nguyễn Thị Yến ở xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình được sở hữu một chiếc máy rửa bát gọn nhẹ. Tác giả là anh nông dân Nguyễn Văn Ngọc.
Chiếc máy rửa bát tự tạo có vẻ ngoài bắt mắt, không tốn điện, dễ dùng là sản phẩm của tình mẫu tử. Anh Ngọc không muốn mẹ mình phải nhúng tay vào chậu nước lạnh để rửa bát trong những buổi tối mùa Đông.

Các ruộng lúa, vườn rau, vuờn hoa ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình bị đàn chuột đông đúc cắn phá nghiêm trọng. Việc bảo vệ bằng hàng rào ni lông cũng ít phát huy tác dụng. Nhiều phương pháp đánh bắt được thực hiện nhưng không hiệu quả. Thế là ra đời chiếc máy hun chuột có lẽ là độc nhất vô nhị trên thế giới. Chỉ sử dụng rơm rác để tạo khói, như xưa nay cha ông ta vẫn làm. Nhưng điều khác biệt là làm sao để khói không tỏa ra ngoài mà vào sâu mọi ngóc ngách của các hang chuột một cách nhanh nhất. Sau 5-10 phút bị xông khói chuột sẽ chết ngay trong hang hoặc chạy ra và mắc vào lưới. Với chiếc máy này một người trong một ngày có thể diệt và bắt hàng trăm con chuột. Tác giả của máy hun chuột là một nông dân chất phác, nguyên là “anh bộ đội cụ Hồ”.
Ông Đinh Văn Quang, tác giả “máy hun chuột”, tâm sự:
“Xuất phát từ cái chỗ trước đây hợp tác xã hay đánh chuột bằng thuốc hoặc đào hang tốn nhiều công quá thì tôi mới nghiên cứu chế tạo ra máy hun khói. Cái máy này thì đơn giản thôi. Đây là cái bình nhiên liệu để bỏ rơm rác, các loại dễ cháy, hút khí sang bình này là bình hòa khí. Nhiên liệu thì đơn giản thôi vì chúng tôi làm nông nghiệp thì sẵn trấu, rơm rạ. Ắc quy là để chạy máy quạt để hút khói từ bình nhiên liệu sang bình khí rồi khói xông vào hang chuột. Hang chuột có nhiều dạng, có cái dài vài mét, có cái dài 2 chục mét, nhiều lỗ thoát. Nếu hang dài thì chúng tôi phải dùng 2 – 3 cái này để xông. Nếu chúng tôi muốn bắt sống chuột về nuôi trăn thì chúng tôi mở ra vài lỗ rồi chụp lưới vào. Lần nào chúng tôi không muốn bắt chuột thì bịt hang lại, chuột sẽ chết hết trong hang sai 2 – 5 phút”.
Phó Giáo sư Trần Tuấn Thanh, Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Trung tâm Cơ khí chính xác, Trường Đại học Bách Khoa, nhận xét:
“Những người nông dân tự chế máy móc đều là những người có khát vọng, có ý chí và đồng thời cũng khá thông minh. Và cái điều họ thể hiện là rất quyết tâm để thực hiện cái đó bằng mọi cách. Những thiết bị do nông dân làm ra trong mười mấy năm qua có cái rất bình thường, nhưng cũng có cái có công dụng rất hiệu quả. Tôi còn nhớ người ta dùng cái máy cắt cỏ của các nước biến thành cái máy gặt. Người ta thay động cơ và thay bộ phận răng đi, một cách đơn giản như thế, và người ta gặt thay cho tay người, khỏi phải cúi xuống, cho năng suất rất cao, tuy nhiên so với máy gặt thì không bằng. Những cái ưu điểm ở đây đều thể hiện rất rõ về phía người nông dân”.

http://tamnhin.net (nvdat)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài