SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vi khuẩn phân hủy 2,4-D trong đất lúa ở Tiền Giang và Sóc Trăng

[18/12/2011 22:03]

Đề tài do nhóm tác giả Nguyễn Thị Phi Oanh, Hứa Văn Ủ (Bộ môn Sinh Học, Khoa Khoa Học Tự Nhiên, Trường Đại học Cần Thơ) và Dirk Springael (Division of Soil and Water Management, Department of Earth and Environmental Sciences, Faculty of Bioscience Engineering, Katholic University of Leuven, Belgium) thực hiện nhằm phân lập và định danh các dòng vi khuẩn có khả năng phân hủy 2,4-D trong đất lúa ở Tiền Giang và Sóc Trăng đồng thời khảo sát khả năng phân hủy 2,4-D của chúng trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Nông dược (thuốc bảo vệ thực vật) đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Số liệu thống kê năm 1996 cho thấy hàng năm Việt Nam đã sử dụng hơn 30.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) (FAO, 2004). Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vựa lúa lớn nhất nước, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa cho cả nước (Dung và Dung, 1997). Nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực và xuất khẩu, quá trình thâm canh tăng năng suất cũng dẫn đến gia tăng nhu cầu sử dụng nông dược. Bên cạnh vai trò phòng trừ sâu, bệnh và cỏ dại, thuốc BVTV cũng trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

2,4-Dichlorophenoxyacetic acid (2,4-D) là thuốc trừ cỏ nội hấp, có chọn lọc, trừ cỏ hậu nẩy mầm. Thời gian bán hủy của 2,4-D tương đối dài: 59,3 ngày trong đất, 66 ngày trong không khí và 39 ngày trong nước (EPA, 1988). Trong đất, 2,4-D có thể bị phân hủy bởi một số vi sinh vật như Achromobacter, Burkholderia, Delftia, Halomonas, Pseudomonas (Hương et al., 2007) và Sphingomonas chungbukensis (Huong et al., 2008). Hiện nay, 2,4-D vẫn được nông dân ĐBSCL sử dụng rộng rãi để trừ cỏ lá rộng trên ruộng lúa.

Từ các mẫu đất lúa ở Tiền Giang và Sóc Trăng, chúng tôi đã phân lập được ba mươi hai dòng vi khuẩn có khả năng phân hủy 2,4-D. Kết quả điện di sản phẩm Box-PCR cho thấy chúng thuộc mười dòng khác nhau, trong đó năm dòng được phân lập ở Sóc Trăng và năm dòng được phân lập ở Tiền Giang. Các dòng vi khuẩn đều thuộc lớp β-Proteobacteria, bộ Burkholderiales, họ Burkholderiaceae và được định danh lần lượt là Cupriavidus sp. ST1, Burkholderia sp. ST4, Cupriavidus sp. ST7, Cupriavidus sp. ST10, Burkholderia sp. ST14, Cupriavidus sp. TG2, Cupriavidus sp. TG3, Cupriavidus sp. TG16, Ralstonia sp. TG26, và Burkholderia sp. TG27. Khi nuôi cấy trong môi trường tối thiểu có bổ sung 2,4-D (500mg.l-1) như là nguồn carbon duy nhất, dòng Cupriavidus sp. TG2 có khả năng phân hủy 2,4-D nhanh nhất, kế đến là các dòng Cupriavidus sp. TG3, Burkholderia sp. ST4, Burkholderia sp. TG27, Cupriavidus sp. ST1, Burkholderia sp. ST14, Cupriavidus sp. ST7, Cupriavidus sp. ST10, Ralstonia sp. TG26 và Cupriavidus sp. TG16.

Tạp chí Khoa học 2011:18a 65-70, trường Đại học Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài