SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xuân về với đặc sản thương hiệu Việt

[03/01/2012 08:33]

Mỗi độ tết đến, xuân về, nhà nhà lại tìm kiếm những sản phẩm ngon nhất của quê hương, đất nước để thờ cúng tổ tiên, ông bà và cùng người thân, bạn bè tận hưởng những thành quả lao động sau một năm vất vả.

Họ tìm đến với các sản phẩm có danh tiếng để bày lên bàn thờ mâm ngũ quả các nông sản đặc trưng, như buởi Diễn, chuối ngự Đại Hoàng, chè Tân Cương, đào, quất Nhật Tân, rượu Làng Vân, hồng không hạt Bắc Kạn, cam Vinh, bưởi Đoan Hùng, gạo tám xoan Hải Hậu,…Có nhiều lối mà người tiêu dùng lựa chọn các đặc sản, trong đó một cách tương đối phổ biến và khá tin tưởng là dựa vào “Thương hiệu”.

Bởi lẽ, thông qua thương hiệu, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn hàng hoá phù hợp với nhu cầu, sở thích, mức chất lượng mà mình mong muốn. Còn đối với nhà sản xuất, thì thương hiệu dùng đánh dấu hàng hoá khi đưa ra thị trường và giúp tạo dựng hình ảnh của doanh nghiệp, làm cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm khi được bảo đảm bằng việc đăng ký, từ đó doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị trường và thu hút đầu tư cũng như giảm chi phí tiếp thị, nhất là vào dịp Tết cổ truyền dân tộc nhu cầu đặc sản là rất lớn.

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới, ở mỗi vùng, miền đều có nhiều sản phẩm nông nghiệp, chế biến từ hoa, trái… thể hiện cái riêng của mỗi vùng quê, tạo nên thế mạnh cho đặc sản thương hiệu Việt trong ngày Tết cổ truyền để vời gọi bạn bè quốc tế, nhất là đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc về quê đón Tết để tận hưởng những hương vị của dân tộc trong ngày xuân ấm áp. Sau hơn hai mươi năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước và hội nhập, trong đó các thương hiệu nông sản ngày càng phát huy và thể hiện chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta tiếp tục làm sao để bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam qua những sản phẩm ngon nổi tiếng một cách rộng rãi mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Câu trả lời được đặt ra là, ngoài việc tạo dựng ngày một tốt hơn về chất lượng của các đặc sản, thông qua việc lựa chọn, phục trang cây, con giống, thì chúng ta cần phải trú trọng đến việc tạo dựng các thương hiệu cho các đặc sản đó thông qua việc xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu cho các đặc sản đó.    
Các đặc sản thường gắn liền với một vùng địa lý nhất định, nó thể hiện tính đặc trưng của văn hóa, ẩm thực của mỗi địa phương do điều kiện tự nhiên và con người nơi đó tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm. Tuy vậy, tính độc đáo của các đặc sản cũng có thể bị lợi dụng danh tiếng, uy tín mà phát triển một cách tuỳ tiện ở cả những vùng không có những điều kiện thuận lợi như vậy; thậm chí, còn đưa những sản phẩm kém chất lượng từ vùng khác đến bán tại nơi có đặc sản đó, từ đó làm giảm chất lượng và mất lòng tin với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước mà không có cách nào để bảo vệ nếu như chúng ta không đăng ký và quản lý tốt các đặc sản này.
Vậy thì, việc tạo dựng tốt nhất thương hiệu cho các đặc sản chính là chúng ta đi đăng ký để được Nhà nước bảo hộ thương hiệu cho đặc sản đó, có như thế mới ngăn chặn được tình trạng lợi dụng uy tín để xâm phạm và phát triển tuỳ tiện các đặc sản kém chất lượng và cũng là góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta đăng ký thương hiệu cho các đặc sản bằng cách nào. Câu trả lời là, hoặc là chúng ta đăng ký chỉ dẫn địa lý, hoặc là các hình nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, và cũng có thể là nhãn hiệu thông thường theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Để được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa là chỉ dẫn địa lý, thì đặc sản đó phải gắn liền với một vùng địa lý nhất định (tên gọi địa danh) và các đặc sản đó phải đặc thù về tính chất và chất lượng do điều kiện tự nhiên, yếu tố con người hoặc kết hợp các yếu tố đó quyết định để tạo nên sự độc đáo có tính riêng biệt đó.

hong.jpg
Hồng không hạt Bắc Cạn
Nước mắm “Phú Quốc” được đăng ký bảo hộ từ 01/06/2001, có màu cánh gián đặc trưng, được sản xuất bằng cá cơm tươi (còn máu trong thân cá) và thời gian lên men tự nhiên 12-15 tháng trong thùng gỗ; có mùi thơm nhẹ rất đặc trưng, không có mùi tanh và mùi amoniắc; vị mặn, ngọt đậm, kèm theo béo tự nhiên, có hậu vị ngọt béo của đạm tự nhiện và chất béo từ mỡ cá. Có được tính chất và chất lượng đặc trưng như vậy, là do nguồn cá cơm được đánh bắt trong vùng lãnh hải của Cà Mau và Kiên Giang và quy trình lên men, kéo rút cho đến lúc bao gói được thực hiện trong khu vực địa lý Huyện đảo Phú Quốc với bàn tay khéo léo và kinh nghiệm làm nước mắm hàng nghìn năm của dân đảo Phú Quốc.

Cách thứ hai mà khá nhiều địa phương, doanh nghiệp đang thực hiện, đó là đăng ký nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản. Để tên địa danh của một vùng, một địa phương được đăng ký làm nhãn hiệu, thì trước tiên phải được phép của cơ quan có thẩm quyền quản lý tên địa danh đó; tiếp theo là tên địa danh đó không được trùng với tên của nhãn hiệu đã đăng ký trước đó cho cùng một sản phẩm hoặc sản phẩm tương tự. Ví như  sữa tươi Ba Vì, chè Ba Vì, na Chi Lăng, rau Đà Lạt, tỏi Lý Sơn, quế Trà My, sâm Ngọc Linh…

Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cũng sẽ không tránh khỏi những hạn chế nếu từng thành viên không đề cao trách nhiệm và chung sức, chung lòng xây dựng thương hiệu, và chỉ cần một người tạo ra sản phẩm kém chất lượng thì danh tiếng của đặc sản đó sẽ bị ảnh hưởng theo. Chính vì thế, tiến tới một bước nữa là khi sản phẩm đã có chất lượng trở nên đặc thù và có đủ những điều kiện về pháp lý và thực tiễn thì chúng ta sẽ chuyển sang đăng ký chỉ dẫn địa lý với cơ chế kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hơn để bổ sung vào danh sách sau 28 chỉ dẫn địa lý đã đăng ký. Có như vậy các đặc sản của chúng ta ở mọi vùng quê hương đất nước mới không những bị mai một dần mà còn ngày càng được bảo đảm cả về chất lượng và danh tiếng để tự hào với bàn bè quốc tế, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Cho đến nay Việt Nam đang thực hiện việc bảo hộ 28 chỉ dẫn địa lý, trong đó 3 của nước ngoài, còn lại của Việt Nam, đó là: chè san tuyết Mộc Châu, chè Tân Cương, hoa hồi Lạng Sơn, hồng không hạt Bắc Kạn, quế Văn Yên, bưởi Đoan Hùng, vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn, thuốc lào Vĩnh Bảo, gạo tám xoan Hải Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, cam Vinh, mắm tôm Hậu Lộc, cói chiếu Nga Sơn, nón lá Huế, bưởi Phúc Trạch, soài cát Hòa Lộc, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, gạo đỏ một bụi Hồng Dân, gạo nàng nhen Bảy Núi, hạt dẻ Trùng Khánh, mãng cầu Bà Đen.

khoahoc.baodatviet.vn (ntctu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài