SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

So sánh hiệu quả điều trị bệnh giun đầu gai pallisentis spp. trên cá rô đồng (Anabas testudineus) bằng Levamisole và Praziquantel

[15/09/2021 09:17]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Trương Đình Hoài, Kim Văn Vạn - Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đoàn Văn Vững - Công ty VMC Việt Nam và Nguyễn Thị Hương Giang - Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhằm tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả giun đầu gai Pallisentis ký sinh trong ruột cá rô đồng (Anabas testudineus).

Ảnh minh họa: Internet

Giun đầu gai giống Pallisentis là nội ký sinh trùng thường gặp ở nhiều loài cá nuôi, chúng thường ký sinh trong ruột và dạ dày của cá, gây tổn thương thành dạ dày và ruột, lấy dinh dưỡng và có thể gây ra rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá và mở đường cho vi sinh vật xâm nhập gây bệnh cho cá (Hà Ký & Bùi Quang Tề, 2007; Từ Thanh Dung & cs., 2008). Tuy vậy, các loài cá được báo cáo nhiễm giun đầu gai cho đến nay chủ yếu là các đối tượng cá nuôi tại Đồng bằng sông Cửu long bao gồm cá lóc (Channa striata) (Nguyễn Thị Thu Hằng & Đặng Thị Hoàng Oanh, 2015), cá tra (Từ Thanh Dung & cs., 2008), các loài cá rô đồng, cá lóc, cá Trèn bầu, cá Bống dừa, cá Leo (Nguyễn Văn Hà, 2015).

Cá rô đồng (Anabas testudineus) sống ở môi trường nước ngọt và nước lợ. Chúng có thịt béo, thơm, dai, ngon nên người tiêu dùng lựa chọn làm thực phẩm. Mặt khác, cá rô là loài động vật ăn tạp, chúng có thể ăn cả các loài động vật thân mềm, cá con và thực vật, kể cả cỏ. Cá sống được các loại hình thủy vực khác nhau như ao, ruộng, bè, đặc biệt là vùng đất nhiễm phèn nhẹ, lại ít xảy ra dịch bệnh (Trần Minh Phú & cs., 2006). Những đặc điểm thuận lợi này, kết hợp với giá trị thương phẩm cao, mang lại giá trị kinh tế cho người nuôi nên các mô hình phát triển nhiều và những năm gần đây đang phát triển mạnh ở nhiều tỉnh phía Bắc. Tuy vậy, trong một vài năm trở lại đây, cá rô đồng nhiều nơi xuất hiện hiện tượng chết rải rác, chậm lớn do giun sán nội ký sinh, đặc biệt là giun đầu gai. Đây là loại nội ký sinh trong ruột của động vật có xương sống, giun trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân của ký chủ sau cùng ra ngoài môi trường, các ký chủ trung gian như nhuyễn thể, giáp xác, côn trùng ăn trứng, trứng nở thành ấu trùng, tạo kén trong cơ thể ký chủ trung gian, ký chủ cuối cùng ăn ký chủ trung gian và ấu trùng chui ra khỏi kén, bám vào thành ruột và phát triển thành giun trưởng thành và gây hại cho ký chủ cuối cùng (Bùi Quang Tề, 2006).

Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu về trị bệnh do giun đầu gai gây ra ở các loài cá nói chung và cá rô đồng nói riêng. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, tác giả sẽ trình bày kết quả nghiên cứu về phát hiện giun đầu gai ký sinh trên cá rô đồng nuôi tại tỉnh Hải Dương và thử nghiệm các phác đồ điều trị bệnh để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, cung cấp thông tin cho người nuôi để phòng trị bệnh hiệu quả, giúp nghề nuôi cá rô đồng ở Miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững.

Đây là nghiên cứu đầu tiên về bệnh và thử nghiệm điều trị bệnh giun đầu gai trên cá rô đồng tại Việt Nam. Cá rô đồng nhiễm giun đầu gai với tỷ lệ nhiễm cao gây ra hiện tượng tắc ruột, xuất huyết và thủng ruột và có thể gây chết nếu không điều trị kịp thời. Phác đồ điều trị sử dụng levamisole 10 mg/kg cá/ngày trong 3 ngày liên tục kết hợp điều trị bằng kháng sinh florphenicol 15 mg/kg cá/ngày trong 5 ngày liên tục cho kết quả điều trị cao, 100% cá khỏi bệnh và giun đầu gai được tẩy triệt để. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa trong việc chẩn đoán và phòng trị hiệu quả bệnh giun đầu gai trong thực tế sản xuất, giúp nghề nuôi cá rô đồng phát triển bền vững.

nnttien

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 7/2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài