SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển thanh toán thông minh, hướng đến nền kinh tế số bền vững

[04/08/2023 08:42]

Thanh toán thông minh góp phần giảm tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông, tạo điều kiện tập trung nguồn vốn lớn của xã hội vào tín dụng để tái đầu tư cho nền kinh tế. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, của khoa học công nghệ trong những năm gần đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thông minh đã trở nền thân thuộc và mang lại nhiều tiện lợi cho người sử dụng.

Ngày 28/7/2023 vừa qua, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Phân tích xu hướng công nghệ với chủ đề “Thanh toán thông minh hỗ trợ phát triển dịch vụ và dịch vụ công”. Sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) triển khai thực hiện, với 2 hình thức: trực tiếp tại số 79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM và kết hợp trực tuyến trên nền tảng Google Meet.

Hội thảo đã thu hút được rất đông chuyên gia, nhà khoa học thuộc các trường, trung tâm, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt tham dự, với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến

Tại Hội thảo, báo cáo về xu hướng công nghệ thanh toán thông minh trên cơ sở số liệu sáng chế quốc tế do ThS. Nguyễn Vân Anh - Phòng Phân tích thông tin (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trình bày, cho thấy giai đoạn 1992 - 2023, được xem là giai đoạn bùng nổ của xu hướng công nghệ thanh toán trên thế giới với số lượng trung bình là 1.280 sáng chế/năm và cao nhất là 3.479 sáng chế. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia dẫn đầu số lượng được bảo hộ trong lĩnh vực này. Sở hữu nhiều sáng chế về thanh toán thông minh là các doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực máy tính, điện tử… của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

“Tính đến tháng 6/2023, có 40.594 sáng chế về thanh toán thông minh được công bố. Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia dẫn đầu số lượng sáng chế được bảo hộ trong lĩnh vực này. Vào năm 1931, sáng chế đầu tiên về thanh toán không dùng tiền mặt được đăng ký bảo hộ tại Đức, đề cập đến “Thẻ tín dụng” và cho đến năm 2000, sáng chế về thanh toán thông minh mới xuất hiện. Các sáng chế thanh toán thông minh, được nghiên cứu nhiều nhất liên quan đến hệ thống thanh toán bằng thẻ thông minh; API là công nghệ được sử dụng nhiều nhất, kế đến là POS, công nghệ chuỗi khối và AI. Trong những năm gần đây, thanh toán thông minh được sử dụng nhiều nhất trong các lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, giao thông, vận tải. Tại Việt Nam, trong số 111 tài liệu sáng chế đề cập đến thanh toán thông minh được công bố, bảo hộ thì chỉ có 7 tài liệu sáng chế có chủ đơn là các doanh nghiệp công nghệ trong nước, phần lớn còn lại đến từ các nước như Hàn Quốc và Trung Quốc…”, ThSNguyễn Vân Anh chia sẻ.

ThS. Nguyễn Vân Anh - Phòng Phân tích thông tin (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

Chia sẻ tham luận tổng quát về tình hình thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Lê Văn Luyện - Giảng viên cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin trong những năm gần đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thông minh đã trở nền thân thuộc và mang lại nhiều tiện lợi cho người sử dụng. Thanh toán thông minh là xu hướng phát triển trong xã hội hiện đại và tại Việt Nam thanh toán thông minh cũng đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt.

“Số sáng chế về thanh toán thông minh của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được công bố và bảo hộ không nhiều, nhưng tốc độ tăng trưởng của thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta rất lớn, trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 62,82% so với cùng kỳ năm 2022. Đến cuối năm 2022, trên thị trường có hơn 40 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử, toàn thị trường có 120 triệu ví, trong đó có 47 triệu ví đã kích hoạt và 29 triệu ví đang hoạt động, số tiền ở các ví trên 3.300 tỷ đồng, tổng giá trị giao dịch đến cuối năm 2022 khoảng gần 1 triệu tỷ đồng”, PGS.TS Lê Văn Luyện nói.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Văn Luyện, khi nhóm nghiên cứu của Ngân hàng nhà nước tiến hành đánh giá tình hình, kết quả hoạt động phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, theo Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 2545) của Thủ tướng Chính phủ. Thì 1 trong số 4 mục tiêu tổng quát là “Tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. (Tỷ trọng tiền mặt/ tổng phương thức thanh toán ở mức thấp hơn 10%)” vẫn chưa hoàn thành.

“Việt Nam vẫn là quốc gia nằm trong top 20 các quốc gia sử dụng tiền mặt nhiều nhất thế giới. Dù đã có sự vào cuộc từ cấp Chính phủ đến Ngân hàng nhà nước, các tổ chức ngân hàng, các cấp chính quyền và đặc biệt là sự thích ứng của người dân, của các tổ chức công… cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, người dùng đã có điều cần nhất là ngày càng phải hoàn thiện hơn, đồng bộ hơn và phải hiện đại hơn”, PGS.TS Lê Văn Luyện chia sẻ thêm.

PGS.TS Lê Văn Luyện - Giảng viên cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng có phần trình bày tham luận ở đầu cầu Thủ đô Hà Nội thông qua nền tảng Google Meet

Cũng có phần trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo về hệ thống giao dịch thanh toán tự động theo công nghệ 4.0, TS. Võ Đình Tùng - Giảng viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện điện tử C&T nhận định, chuyển đổi số hiện nay đang là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam cũng đang bắt đầu xu thế này.

“Nền kinh tế số của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực, vượt mức 40% một năm. Dự báo, kinh tế số của Việt Nam sẽ vượt 43 tỷ USD vào năm 2025. Hiện, các hình thức thanh toán điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ có thể kể đến như POS, Internet Banking, ví điện tử ZaloPay, Momo, VNPAY, Smartpay...  khiến tỷ trọng dùng tiền mặt trong nền kinh tế ngày càng giảm dần”, TS. Võ Đình Tùng chia sẻ.

Cũng theo TS. Võ Đình Tùng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang có những tác động rất mạnh mẽ đến mọi phương diện như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... yêu cầu chuyển đổi số của Chính phủ và các Bộ ngành đang được đẩy mạnh, thêm vào đó là các quy định về sử dụng hóa đơn điện tử nhằm minh bạch giao dịch thanh toán. Thông qua mạng lưới thanh toán số, cách thức tài chính số sẽ làm thay đổi phương thức giao dịch thanh toán.

“Trong tương lai, đối với lĩnh vực bán lẻ, chúng ta sẽ không còn thấy thu ngân tại quầy nữa, mà khách hàng sẽ tự chọn hàng hóa và tự thanh toán. Nhà hàng, cửa hàng ăn uống, khách sạn, nhà thuốc... sẽ phải kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế 24/7”, TS. Võ Đình Tùng chia sẻ thêm.

TS. Võ Đình Tùng - Giảng viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM, trình bày tham luận của mình tại Hội thảo

Được biết, tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ các đơn vị nghiên cứu ứng dụng và doanh nghiệp công nghệ cũng đã chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu và ứng dụng tiêu biểu khác như:

"Ứng dụng chữ ký số từ xa Viettel Mysign trong giao dịch điện tử và hành chính công", do bà Nguyễn Thị Ái Liên - Giám đốc khách hàng Doanh nghiệp Cụm 1 - Viettel TP.HCM trình bày. Nội dung của báo cáo tham luận đã khái quát được xu hướng của chữ ký số trên thế giới và ứng dụng của nó trong các lĩnh vực đời sống hiện nay. Cũng như, giới thiệu về các mô hình ký số từ xa và đặc biệt là Demo quy trình sử dụng dịch vụ chữ ký số từ xa Mysign Viettel. Đây là một giải pháp cho phép người dùng ký số các tài liệu.

"Giao thông đô thị cho mọi người ở khắp mọi nơi", do bà Đỗ Thị Kim Thoa - Giám đốc cấp cao Phát triển Kinh doanh - Thanh toán thẻ Visa Việt Nam và Lào trình bày. Nội dung của báo cáo tham luận đã nêu bật được những thách thức chính trong vận hành giao thông đô thị ngày nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp chuyển đổi số, ví dụ như thanh toán mở. Trong đó, Visa đóng một vai trò quan trọng, đáng tin cậy và an toàn trong giao thông mang lại tiện ích cho tất cả các bên trong hệ sinh thái giao thông đô thị.

"Giải pháp thanh toán liền mạch đồng hành cùng chuyển đổi số địa phương", do ông Trần Minh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm thanh toán trực tuyến Foxpay - FPT trình bày. Nội dung của báo cáo tham luận đã khái quát về hệ sinh thái của FPT, các giải pháp thanh toán liền mạnh mà FPT đang cung cấp để đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số của địa phương như: dịch vụ trung gian thanh toán Foxpay, Banking As A Service, giải pháp theo dõi và thanh toán các khoản thu giáo dục và đào tạo…

Ông Nguyễn Đức Tuấn - Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) (đứng thứ 4, từ bên phải qua) chụp hình lưu niệm với các báo cáo viên tại Hội thảo

Theo đại diện Ban tổ chức, thông qua Hội thảo lần này, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp sẽ có thêm thông tin về các xu hướng phát triển công nghệ thanh toán thông minh trên thế giới và tình hình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thanh toán thông minh trong nước. Đồng thời là cầu nối để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà đầu tư, các doanh nghiệp, trường đại học có thêm cơ hội hợp tác, triển khai các giải pháp công nghệ, kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

https://cesti.gov.vn/(nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài