SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hàng trăm công nghệ, thiết bị sẽ được giới thiệu tại Techmart Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023

[25/10/2023 14:40]

Hơn 100 quy trình, công nghệ và thiết bị sẵn sàng chuyển giao ứng dụng sẽ được trưng bày giới thiệu tại Techmart Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 diễn ra trong hai ngày 26&27/10.

Techmart Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức trực tiếp tại Sàn Giao dịch công nghệ - Techmart Daily (Số 79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM) và trực tuyến tại địa chỉ https://techmart.techport.vn.

Tại đây, hơn 50 doanh nghiệp, trường, viện tham gia trưng bày giới thiệu trực tiếp các quy trình, công nghệ và thiết bị ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm (công nghệ chế biến tinh bột, công nghệ sản xuất các loại nước uống lên men, thực phẩm chứa protein, công nghệ sản xuất các chất làm tăng hương vị, quy trình chế biến rau củ quả…); lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (quy trình lai tạo, cải thiện giống cây trồng, kỹ thuật canh tác mới, kỹ thuật chuyển phôi, phối giống, tạo chế phẩm giúp cây trồng, vật nuôi phòng tránh bệnh tật…). Đặc biệt, Techmart lần này chú trọng các công nghệ và thiết bị ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những giải pháp công nghệ hiện đại, bắt kịp xu hướng nông nghiệp thông minh, giúp nâng cao năng suất làm việc, tối ưu hóa sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn. Điển hình như: Ứng dụng chìa khóa vi sinh vật trong nông nghiệp hữu cơ; Hệ thống Drone nông nghiệp MiSmart: xác định tình hình sức khỏe cây trồng; Hệ thống thiết bị thanh trùng/tiệt trùng BMB ứng dụng trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm; Thiết bị phân tích các chỉ tiêu hóa lý bằng công nghệ enzyme; Công nghệ len men Lactobacillus tạo sữa non từ lúa; Công nghệ lên men 3D tỏi đen Vinaorganic…

Trong đó, hệ thống thiết bị thanh/tiệt trùng BMB do Công ty TNHH Bốn Mùa sản xuất, được thiết kế theo công nghệ hiện đại, có thể sử dụng để thanh/tiệt trùng trong nuôi trồng nấm ăn, nấm đông trùng hạ thảo, hũ yến, các loại đồ uống, gia vị, sản xuất thực phẩm, dược phẩm,… Thiết bị được chế tạo sản xuất trong nước, đã sẵn sàng chuyển giao ứng dụng với giá thành hợp lý, nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, tối ưu hóa qui trình sản xuất giúp tiết kiệm nhiệt, hiệu suất cao, dễ tháo lắp, phù hợp với nhiều loại sản phẩm khác nhau,…

Thiết bị phân tích các chỉ tiêu hóa lý bằng công nghệ enzyme (RIDA®CUBE SCAN) là một loại máy đo chuyên dụng, giúp bán tự động hóa các thao tác phân tích nhiều chỉ tiêu hóa lý bằng công nghệ enzyme. Thiết bị được nghiên cứu và phát triển bởi R-Biopharm (Đức), ủy quyền phân phối chính thức tại Việt Nam cho Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Thái Bình Dương. RIDA®CUBE SCAN là một thiết bị nhỏ gọn cho phép thử nghiệm đơn lẻ tại các cơ sở sản xuất hoặc trong các phòng thí nghiệm nhỏ, dùng để xác định đường, axit, rượu và một số thành phần thực phẩm khác trong các sản phẩm như nước ép trái cây, rượu vang, bia, hay các sản phẩm từ sữa, trứng và thịt. Thiết bị có nhiều ưu điểm như thiết kế đơn giản và thân thiện với người dùng; bộ kit đi kèm chứa sẵn đường cong hiệu chuẩn lưu trên thẻ RFID, cho phép người dùng nhanh chóng thiết lập nhiều chỉ tiêu phân tích khác nhau; thiết kế nhỏ gọn giúp tiết kiệm không gian làm việc và tự động hóa (sau khi thêm mẫu). Ngoài ra, kit phân tích enzyme chuyên biệt cho RIDA®CUBE SCAN có thời gian sử dụng lên đến 24 tháng; thiết bị cho kết quả phân tích tương đương khi thực hiện bằng tay nhưng tiết kiệm được thời gian và không gian làm việc.

Song song với các gian hàng trưng bày giới thiệu công nghệ, thiết bị, chuỗi 14 hội thảo của Techmart lần này cũng giới thiệu nhiều giải pháp, công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp,… Điển hình như các hội thảo Công nghệ cô đặc lạnh giúp bảo tồn hương liệu và thành phần có lợi cho sức khỏe trong sản xuất rượu vang, nước trái cây lên men lactic và chất bảo quản tự nhiên; Quy trình công nghệ thu hồi các hoạt chất sinh học (Phenolnic, alkanoid...) từ thực vật ứng dụng trong chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi; Giải pháp tận dụng vỏ tôm thu nhận chitin và chuyển hóa thành các phụ gia thực phẩm; Công nghệ nano Technology tạo nano silica từ tro vỏ trấu làm chất kháng nấm bệnh thực vật; Quy trình nuôi trồng nấm mối đen hữu cơ; Quy trình sản xuất men vi sinh ứng dụng trong sản xuất nông nghiêp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản;…

Trong đó, tại hội thảo "Công nghệ cô đặc lạnh giúp bảo tồn hương liệu và thành phần có lợi cho sức khỏe trong sản xuất rượu vang, nước trái cây lên men lactic và chất bảo quản tự nhiên", TS. Huỳnh Tiến Đạt (Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM) sẽ giới thiệu về công nghệ cô đặc lạnh, quy trình thiết bị công nghệ cô đặc lạnh và hướng ứng dụng của dịch cô đặc. Với công nghệ cô đặc lạnh, nước trong thực phẩm dạng lỏng sẽ được làm đông một phần tạo thành các tinh thể đá trong dịch thực phẩm được cô đặc. Sau đó, các tinh thể đá được tách ra khỏi dung dịch và làm tăng nồng độ chất tan trong dịch cô đặc. Ưu điểm của công nghệ cô đặc lạnh là bảo tồn được hương vị và màu của thực phẩm; bảo tồn các thành phần nhạy với nhiệt; tiêu hao năng lượng thấp hơn so với phương pháp bốc hơi gia nhiệt; thiết bị dễ vệ sinh và chi phí bảo trì thấp; hệ thống đa năng có thể sử dụng cho nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Theo TS. Huỳnh Tiến Đạt, với ưu điểm bảo tồn các thành phần nhạy với nhiệt, công nghệ cô đặc lạnh giúp bảo tồn và làm giàu các hợp chất có lợi cho sức khỏe như vitamin, các hợp chất phenolics, các hợp chất flavonoids, anthocyanins, carotenoids,… Đây là những thành phần có tác dụng thiết yếu đối với cơ thể, kháng oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào, kháng viêm và ức chế tế bào khối u. Cụ thể như giúp bảo tồn và tăng hàm lượng các hợp chất flavonoids chính của dịch chanh (quả chanh không hạt) gồm hàm lượng hesperidin tăng 3 lần (lên 68.4 mg/100 mL); hàm lượng eroictrin tăng từ 12.78 lên 36.39 mg/100 mL; hàm lượng rutin tăng từ 2.65 lên 7.71 mg/100 mL; hàm lượng naringin và diosmin cũng tăng hơn 3 lần;… Công nghệ cô đặc lạnh cũng có khả năng làm tăng hàm lượng vitamin C của dịch quả cherry lên 200% và hàm lượng carotenoids của dịch quả mơ lên 167%; tăng hàm lượng polyphenols của nước cam lên 429% và tăng khả năng chống oxy hóa lên 343%;…

Với công nghệ này, dịch cô đặc lạnh có thể ứng dụng vào nhiều mục đích như sản xuất bột chức năng, thực phẩm chức năng (lên men và không lên men) hoặc có thể sử dụng như chất bảo quản tự nhiên. Hiện tại, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã nghiên cứu thử nghiệm thành công hệ thống cô đặc lạnh với quy trình công nghệ và các thiết bị chính trong quy trình gồm thiết bị làm lạnh tạo tinh thể, thiết bị phát triển tinh thể, thiết bị tách tinh thể thu dịch cô đặc. Nhóm cũng đề xuất hướng ứng dụng công nghệ cô đặc lạnh trong sản xuất bột chức năng như bột chanh sấy phun từ dịch chanh cô đặc lạnh; bột cà chua từ dịch cà chua cô đặc (chứa lycopene cao gấp 2,4 lần so với dịch cô đặc); bột bưởi từ dịch bưởi cô đặc (chứa hàm lượng vitamin C cao, chống oxy hóa cao); bột blackcurrant từ dịch cô đặc (chứa hàm lượng anthocyanin cao, hàm lượng các chất phenolic cao, khả năng chống oxy hóa cao);… Đối với sản xuất thực phẩm chức năng, có thể ứng dụng trong sản xuất nước giải khát chức năng (nước táo bổ sung dịch cô đặc giàu polyphenol, nước uống có gas bổ sung dịch cô đặc từ cam, lựu và xương rồng lê gai giàu phenolics,…); sản phẩm sữa chức năng (sữa chua bổ sung dịch cô đặc từ dâu tây làm tăng hàm lượng anthocyanin và khả năng chống oxy hóa của sữa chua);…

Tại hội thảo "Quy trình sản xuất men vi sinh ứng dụng trong sản xuất nông nghiêp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản", TS. Bùi Hồng Quân (Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) sẽ trình bày về quy trình sản xuất men vi sinh và ứng dụng “chìa khóa” vi sinh vật đất trong nông nghiệp hữu cơ. Theo TS. Quân, vi sinh vật đất như vi khuẩn, xạ khuẩn và vi nấm giúp cải thiện cấu trúc đất bằng cách tạo ra màng sinh học và các hỗn hợp chất hữu cơ. Điều này làm cho đất có cấu trúc xốp và trở nên thông thoáng, giúp giữ nước tốt và hỗ trợ các sinh vật đất phát triển. Các vi sinh vật này cũng tạo ra những dạng dự trữ chất dinh dưỡng dễ dàng hấp thụ cho cây trồng, giúp cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng. Ngoài ra, vi sinh vật đất còn sinh tổng hợp nhiều chất hữu cơ, trong đó có polysaccharides, protein và các hợp chất hữu cơ khác. Các chất hữu cơ này không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nhiều vi sinh vật khác, góp phần vào sự đa dạng sinh học trong đất. Bên cạnh đó, vi sinh vật đất còn tham gia vào việc cố định nitơ, phân giải các dạng chất khoáng bị giữ cố định trong các hợp chất khó tan mà cây trồng khó hấp thu được như lân và kali thành dạng có sẵn mà cây trồng có thể hấp thụ. Chúng cũng giúp tối ưu hóa việc sử dụng dinh dưỡng từ đất và ngăn chặn mất dinh dưỡng qua quá trình rửa trôi.

Hiện nay các bước chính trong quy trình công nghệ sản xuất men vi sinh phục vụ nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản gồm chuẩn bị vi sinh vật giống; chuẩn bị môi trường lên men; nuôi cấy lên men; xử lý sau thu hoạch; kiểm tra chất lượng; bảo quản và vận chuyển. Trong đó, khâu chuẩn bị giống vi sinh vật cần lựa chọn căn cứ vào hoạt lực sinh học, chủng có tốc độ sinh trưởng nhanh, có khả năng thích nghi với môi trường, có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, dễ bảo quản và sử dụng, đúng mục đích. Đối với nuôi cấy giống, cần chuẩn bị đầy đủ các dinh dưỡng, kiểm soát các điều kiện nuôi cấy, theo dõi quá trình phát triển, xác định thời điểm thu hoạch tối ưu,… Về chuẩn bị môi trường lên men, cần lựa chọn nguồn carbon và nitơ, bổ sung các khoáng chất vi lượng, điều chỉnh độ pH phù hợp, bảo đảm hàm lượng oxy hòa tan (DO), tiệt trùng và làm nguội môi trường,…

Các nội dung hội thảo và gian hàng công nghệ Techmart sẽ được trình và giới thiệu cụ thể trong 2 ngày diễn ra Techmart Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023.

Lễ khai mạc Techmart Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 sẽ được tổ chức vào lúc 8g30 ngày 26/10 (sáng thứ Năm).

Đăng ký tham dự lễ khai mạc và hội thảo Techmart TI ĐÂY. Đăng ký yêu cầu công nghệ thiết bị và tư vấn chuyên gia chuyên ngành công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 TI ĐÂY.

Chi tiết về Techmart Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 vui lòng liên hệ:

Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP. HCM

Phòng Giao dịch công nghệ

79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM.

Điện thoại: (028) 3521 0735 – 3822 1635

Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn

Mobile: 0939413733 (Chị Thùy Vân).

https://cesti.gov.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài