SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội đột phá đang ở rất gần chúng ta

[21/12/2023 08:17]

Với những tiến bộ mang tính cách mạng của các mô hình ngôn ngữ lớn trong giai đoạn 2022-2023, thế giới ngày càng quan tâm đến việc phát triển và tác động của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) lên mọi khía cạnh của cuộc sống. Tiếp nối chuỗi tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” là phần thảo luận chủ đề “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức” diễn ra chiều ngày 19/12/2023 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự tọa đàm (ảnh: Vinfuture).

AI và tiềm năng phát triển đột phá 

TS Xuedong Huang - Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture và Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ) nhận định, hiện tại là thời khắc lịch sử, năng suất toàn cầu tăng nhanh hơn nhiều so với các cuộc cách mạng trước đây. Cho dù bạn ở quốc gia nào thì đều có tiềm năng phát triển nếu nắm bắt được cơ hội này. Kết quả một thử nghiệm giữa các luật sư tương lai và 3 công cụ AI là GPT4, ChatGPT, Chat GPT3.5 cho thấy, điểm của ChatGPT đời cũ có thể thấp hơn con người nhưng điểm của GPT4 lại vượt trội tới 75,7% so với con người. Tại Microsoft, thông qua liên kết các mô hình AI, TS Xuedong Huang nhận thấy, AI đạt chất lượng chính xác đến 99,9% với chi phí chỉ 6% so với các thuật toán AI thông thường.

Tổng giám đốc Công ty VinAI thuộc Tập đoàn Vingroup, GS.TS Bùi Hải Hưng đánh giá, trào lưu AI đã nhìn thấy rõ với nhiều ứng dụng AI như ChatGPT, các ứng dụng tạo ra hình ảnh, video cùng nhiều ứng dụng khác. Các bạn trẻ Việt Nam bắt kịp những trào lưu này rất nhanh. Tuy nhiên, không chỉ học theo công nghệ, đội ngũ kỹ sư giỏi về công nghệ của Việt Nam đã nắm được công nghệ lõi và phát triển thành những ứng dụng riêng biệt. Điển hình là mô hình ngôn ngữ lớn cho tiếng Việt như PhởGPT hoặc một vài mô hình ngôn ngữ tiếng Việt khác. Đây là minh chứng cho thấy, đội ngũ trí tuệ Việt Nam đã bắt kịp nhanh chóng với thế giới trong cuộc đua này.

Chia sẻ tại tọa đàm, GS. Leslie Gabriel Valiant cho rằng, máy móc có năng lực vô hạn, có thể làm mọi điều, vấn đề chỉ là thời gian. Về tư duy, máy móc là vô địch ở nhiều cuộc thi trí tuệ, hay năng lực logic, suy đoán, máy móc đều sở hữu tiềm năng lớn.

“Bong bóng” mới nổi hay thách thức trong quản lý AI

Theo GS.TS Bùi Hải Hưng, việc sử dụng ChatGPT đã trở nên quen thuộc. Những người làm OpenAI cũng ngạc nhiên bởi sự phát triển hiện tại. AI không còn là giấc mơ và đây là thời điểm chúng ta cần nghiêm túc hơn trong nghiên cứu ứng dụng AI.

Đồng quan điểm, TS Padmanabhan Anandan cho biết, làn sóng AI hiện khá thành công so với trước đây. Không chỉ là bong bóng hay giấc mơ viển vông nữa, chắc chắn AI sẽ sớm chuyển sang những làn sóng tiếp theo với nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao đảm bảo AI không bị sử dụng cho mục đích xấu? Theo GS Leslie Gabriel Valiant, cũng như các công nghệ như hóa học, vật lý hạt nhân, AI đều có thể được sử dụng cho mục đích tốt và xấu, chính vì vậy, chúng ta cần chung tay để giảm thiểu rủi ro khi sử dụng công nghệ này.

Tại tọa đàm, TS Padmanabhan Anandan đã nêu ra các biện pháp để kiểm soát sản xuất, sử dụng các ứng dụng AI có trách nhiệm, giảm thiểu thông tin sai lệch. Đồng thời, AI sử dụng trong lĩnh vực, tình huống nào cũng phải được kiểm soát. Thậm chí, phải giám sát ai sử dụng AI cho mục đích gì.

TS Bùi Hải Hưng cho biết thêm, 1 số người cho là châu Á có tiềm năng ứng dụng AI trong 5-10 năm tới. Các nhà khoa học máy tính cũng tin là AI có nhiều ứng dụng hữu ích, nhưng cần cân nhắc nghiêm túc việc hoạch định chính sách với AI. Mô hình hợp tác con người với AI là một mô hình tiềm năng, giúp nâng cao năng lực và năng suất lao động. Thách thức với các quốc gia như Việt Nam là không cạnh tranh được về nguồn lực với các quốc gia lớn, khi họ có nhiều tài nguyên tính toán. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có thể phát triển độ chính xác tương đồng với những tập dữ liệu nhỏ hơn.

Với tốc độ phát triển của AI như hiện nay, đâu là cơ hội cho Việt Nam?

Theo TS Padmanabhan Anandan, có 3 bước quan trọng mà Việt Nam cần thực hiện: Thứ nhất, phải có một hạ tầng số bền vững để thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu. Bởi vì dữ liệu đóng một vai trò rất quan trọng trong công nghệ về trí tuệ nhân tạo. Liên quan đến hạ tầng số thì sẽ cần nỗ lực của cả khu vực tư nhân và khu vực công. Tuy nhiên, về hạ tầng của một quốc gia thì khu vực công vẫn sẽ là khu vực đóng vai trò quyết định.

Thứ hai, cần có một hệ sinh thái toàn diện và sôi động. Trong đó, các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp có môi trường thuận lợi để phát triển ý tưởng đột phá về công nghệ, đổi mới sáng tạo. Một ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của doanh nghiệp là Tập đoàn Vingroup. Đặc biệt, cần phải có sự tham gia rất chặt chẽ của Chính phủ cũng như tất cả các bên liên quan và sự chung tay của cộng đồng. Mọi ý tưởng nếu như không được ươm mầm và hỗ trợ thì chúng sẽ mãi ở đó và không thể trở thành giải pháp để đóng góp cho cộng đồng.

Thứ ba, liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế công cộng. Khi đã có hạ tầng về dữ liệu thì phải có tập huấn và đào tạo cho đội ngũ y, bác sỹ sử dụng những hạ tầng về công nghệ, mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.

https://vjst.vn (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài