SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu chất lượng nước và tải lượng đạm và lân của ao nuôi thâm canh cá lóc đầu nhím (Channa sp.) Ở Huyện Tam Nông Tỉnh Đồng Tháp

[12/03/2024 14:37]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Lê Diễu Kiềm và Phạm Quốc Nguyên thuộc Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên môi trường, Trường Đại học Đồng Tháp.

Cá lóc là đối tượng tương đối dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon và là nguồn dinh dưỡng tốt cho con người. Cá lóc được nuôi với hình thức trong ao, bể bạt, bể xi măng hay trong mương vườn, ao đất (Thúy & Lộc, 2015) và có thể nuôi ở qui mô nhỏ để xóa đói giảm nghèo hoặc thâm canh với mật độ cao (Sinh & Trung, 2009). Theo số liệu thống kế 2017 của Chi cục Thủy sản của 5 tỉnh nuôi cá lóc chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long và Cần Thơ cho thấy diện tích nuôi cá lóc chủ yếu là nuôi trong ao đất và tăng mạnh trong những năm 2006-2016 từ 132,2 ha tăng lên 552,9 ha, sản lượng cá lóc tăng từ 15,9 ngàn tấn lên 85,6 ngàn tấn (Dung & Hiền, 2017). Cá lóc đầu nhím là con lai giữa cá lóc đen (Channa striatus, Block, 1793) và cá lóc môi trề (Channa sp.) có khả năng sinh trưởng tốt và ít bệnh nên hiện nay được nuôi khá phổ biến Đặc tính cá lóc có khả năng sống trong môi trường chật hẹp, trong điều kiện nước dơ bẩn, nước tù, thiếu oxy (Trung tâm khuyến nông tỉnh Hậu Giang, 2017) nên nước thải từ ao nuôi cá lóc thường có nồng độ chất ô nhiễm cao. Bên cạnh đó, ngoài sử dụng nguồn thức ăn công nghiệp chủ yếu loại Cargill, UP, CP,… hiện nay các mô hình nuôi cá lóc còn sử dụng thức ăn tươi sống như cá tạp nướ ngọt, cá biển, ốc bươu vàng, cua đồng (Thúy & Lộc, 2015) để thu được 1,0 kg cá lóc cần tiêu tố 4,0-4,5 kg cá tạp (Sinh & Chung, 2009). Đa số các hộ tham gia nuôi cá lóc ở các tỉnh BĐSCL hiện nuôi theo phong trào tự phát, nhỏ lẻ không theo quy hoạch hoặc định hướng nào và công tác quản lý môi trường cũng chưa đề cập tới đối tượng cá lóc. Nước từ hệ thống nuôi cá lóc thường thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước như nước bốc mùi hôi tanh gây ngứa và người dân sống gần khu vực đó không thể sử dụng để phục vụ cho sinh hoạt, thậm chí cả canh tác nông nghiệp. Vì vậy, mô hình nuôi thủy sản này ảnh hưởng nhiều đến môi trường nước và nguồn lợi thủy sản tự nhiên (Thúy & Sinh, 2015). Xuất phát từ những yếu tố thực tế trên, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá chất lượng nước ao nuôi và nước thải ao nuôi cá lóc và đê xuất giải pháp quản lý bền vững cho mô hình nuôi đối tượng thủy sản này.

Qua quá trình nghiên cứu, có thể kết luận như sau: chất lượng nước cấp cho ao nuôi cá lóc đầu nhím được khảo sát hầu hết đều đạt QCVN:08- MT/2015/BTNMT (cột A1). pH và DO của nước trong ao nuôi và nước thải ao nuôi cá lóc có khuynh hướng giảm, trong khi EC, TDS, đạm vô cơ và lân đề tăng so với nước cấp cho ao nuôi. DO của nước thải chỉ đạt cột B1 của QCVN 08/MT/2015/ BTNMT. Thông số của chất lượng nước ao nuôi cá lóc được khảo sát hầu hết vẫn trong giới hạn thích hợp cho cá lóc sinh trưởng và phát triển. Nồng độ N-NH4+, N-NO2- và P-PO43- của nước thải đề tăng cao hơn so với nước cấp và vượt QCVN:08- MT/2015/BTNMT (cột B2). Tải lượng N-NH4+, NNO2- và N-NO3-, P-PO43- và TP của nước ao nuôi thâm canh cá lóc đầu nhím với thời gian nuôi là 5-6 tháng ước tính được lần lượt là 154,17; 22,47; 58,95; 62,02 và 99,20 kg/1000 m2/vụ.

Bên cạnh đó để nghiên cứu đạt được tốt hơn, có một số kiến nghị :nước cấp và nước trong ao nuôi cá lóc cần được quản lý chất lượng trong quá trình nuôi. Nước thải ao nuôi cá lóc trước khi thải ra môi trường cần được kiểm soát chất lượng nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững mô hình nuôi thủy sản ở địa phương.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số Chuyên đề: Môi trường và Biến đổi khi hậu (2023): 65-71.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài